
Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung 54 điều về nội dung và 14 về kỹ thuật của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2015) với một số điểm nổi bật sau đây:
Bổ sung quy định về trường hợp cơ quan thẩm tra có quyền từ chối thẩm tra dự thảo nghị quyết nếu chưa đủ hồ sơ hoặc gửi hồ sơ không đúng hạn
Luật năm 2020 đã bổ sung khoản 2a Điều 124 về thẩm tra dự thảo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, cụ thể là: Cơ quan thẩm tra không tiến hành thẩm tra dự thảo nghị quyết khi chưa đủ các tài liệu trong hồ sơ hoặc gửi hồ sơ không đúng thời hạn theo quy định. Quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan trình văn bản, nhằm đảm bảo các quy định về quy trình, thủ tục được quy định trong luật.
Bổ sung trường hợp ngoại lệ cho phép địa phương được quy định thủ tục hành chính
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định (sửa đổi, bổ sung khỏa 4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật) những hành vi bị nghiêm cấm:
Quy định thủ tục hành chính trong thông tư, thông tư liên tịch, quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trừ trường hợp được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc trường hợp cần thiết phải quy định thủ tục hành chính trong nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật này.
Luật 2020 cũng quy định, “không được làm phát sinh thủ tục hành chính mới hoặc quy định thêm thành phần hồ sơ, yêu cầu, điều kiện, tăng thời gian giải quyết thủ tục hành chính đang áp dụng”trong trường hợp sửa đổi, bổ sung VBQPPL có quy định thủ tục hành chính được ban hành trước ngày 01/7/2016
Những quy định về thủ tục hành chính trong VBQPPL do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành VBQPPL 2015 được ban hành trước ngày 01/7/2016 thì tiếp tục được áp dụng cho đến khi bị bãi bỏ bằng văn bản khác hoặc bị thay thế bằng thủ tục hành chính mới.
Bổ sung văn bản được coi là văn bản quy phạm pháp luật
Ngoài các văn bản quy phạm pháp luật như hiện nay, khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn bổ sung thêm một số văn bản khác. Cụ thể là: Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Không ban hành thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ
Bổ sung quy định văn bản có thể bị bãi bỏ bởi văn bản của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền
Nếu như khoản 1 Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định: Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên có thẩm quyền.
Thì Luật 2020 đã điều chỉnh nội dung này theo hướng phù hợp với thực tiễn, đảm bảo giá trị cho các văn bản được ban hành: Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền.
Bổ sung quy định VBQPPL đã ban hành vẫn có thể tiếp tục áp dụng dù quy định khác với VBQPPL mới
Khoản 2 Điều 12 Luật năm 2015 được bổ sung cụ thể như sau: Trường hợp văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của VBQPPL do mình đã ban hành có quy định khác với VBQPPL mới, nhưng cần tiếp tục được áp dụng thì phải được chỉ rõ trong VBQPPL mới đó.
Quy định về các loại VBQPPL phải lập đề nghị xây dựng VBQPPL
Để xác định lại cho hợp lý, sát thực tế hơn các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết phải lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách, Luật năm 2020 bỏ yêu cầu lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách đối với nghị định quy định tại khoản 2 Điều 19 và nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Luật năm 2015. Bên cạnh đó, để phù hợp với việc thu hẹp phạm vi loại VBQPPL phải lập đề nghị theo quy trình chính sách, Luật năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung các Điều 84, 85, 87, 88, 89, 90, 92, 93, 111, 117, 119, 121 và Điều 122 của Luật năm 2015 để quy định cụ thể trình tự, thủ tục đề nghị xây dựng và soạn thảo nghị định tại khoản 2 Điều 19 và nghị quyết tại khoản 2, khoản 3 Điều 27 của Luật năm 2015.
Bổ sung quy định về ban hành VBQPPL của cấp huyện, cấp xã
Để phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung Điều 30 của Luật năm 2015 để cho phép HĐND cấp huyện ban hành nghị quyết, UBND cấp huyện ban hành quyết định quy phạm pháp luật để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới. Bên cạnh đó, ngoài trường hợp “được luật giao”, Luật năm 2020 bổ sung trường hợp “nghị quyết của Quốc hội giao” thì HĐND cấp huyện, cấp xã, UBND cấp huyện, cấp xã cũng được phép ban hành VBQPPL.
Tiếp tục khẳng định và quy định cụ thể hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành VBQPPL
Luật năm 2020 đã sửa 06 điều của Luật năm 2015 (Điều 47, 58, 92, 121, 130 và Điều 139), trong đó bổ sung nội dung thẩm định, thẩm tra phải bảo đảm “Sự phù hợp của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản và nội dung dự thảo văn bản với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước”.
Bổ sung trường hợp xây dựng, ban hành VBQPPL theo thủ tục rút gọn
Cụ thể, Điều 146, sửa đổi, bổ sung thêm 03 trường hợp xây dựng, ban hành VBQPPL theo thủ tục rút gọn sau: (1) Trường hợp cần ban hành ngay VBQPPL để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. (2) Trường hợp cần bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ VBQPPL trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. (3) Trường hợp cần kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của VBQPPL trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.
Trên đây là một số điểm nổi bật của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, Luật năm 2020 còn sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng khác.
PN