
Ông Nguyễn Phương Đông, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, việc thực hiện Nghị quyết số 09 góp hỗ trợ cho giáo viên dạy bán trú tại các trường công lập trong việc phục vụ trẻ ăn sáng và phục vụ trông trẻ mầm non và các hoạt động ngoại khóa. Các chế độ ăn của học sinh được thực hiện có chất lượng, vệ sinh sạch sẽ, học sinh có sức khỏe tốt, nghỉ ngơi hợp lý và học tập tốt... Tuy nhiên, sau thời gian áp dụng nảy sinh một số khó khăn, bất cập trong việc tổ chức thực hiện, như: các trường thuộc xã thu dịch vụ ăn của trẻ 27.000 đồng/trẻ/ngày, nhưng theo thời giá hiện nay sẽ không đảm bảo chi 3 bữa ăn (1 bữa chính và 2 bữa phụ); Tiền công hợp đồng cấp dưỡng còn thấp và chỉ chi trả trong năm học; chưa có mức chi trả cụ thể cho giáo viên hỗ trợ; một số ít phụ huynh đóng tiền ăn bán trú rất chậm so với quy định, gây khó khăn cho việc thu, chi. Trang thiết bị phục vụ bán trú thiếu về số lượng, không đồng bộ về chủng loại, đã sử dụng nhiều năm nên xuống cấp, mà các đơn vị thiếu nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa nên rất khó khăn trong việc vận hành bán trú của nhà trường và sinh hoạt, nghỉ ngơi của học sinh. Một số trường tại các xã còn khó khăn trong việc tìm kiếm các đầu mối cung cấp thực phẩm; một số đơn vị cung cấp thực phẩm không có hóa đơn tài chính gây khó khăn trong việc thanh quyết toán chi phí. Việc cố định mức thu theo Nghị quyết còn gặp khó khăn khi giá thị trường thay đổi liên tục. Các đơn vị thực hiện cùng lúc Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ và Nghị quyết số 09 của HĐND tỉnh Cà Mau nên gặp khó khăn trong việc quản lý thu, chi trong quá trình tổ chức bán trú…
Chương trình, sách giáo khoa mới được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị, các đoàn thể xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục trong việc triển khai thực hiện; đặc biệt là sự nỗ lực, quyết tâm của các cơ sở giáo dục, của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; Đội ngũ CBQL đều được tập huấn Chương trình GDPT 2018, có nhận thức tốt và tinh thần học hỏi cao, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quản lý, quản trị trường học… Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình GDPT 2018, sách giáo khoa mới còn một số khó khăn, hạn chế, bất cập. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số cơ sở giáo dục trung học còn thiếu so với yêu cầu triển khai chương trình GDPT hiện hành và chương trình GDPT 2018. Việc lựa chọn sách giáo khoa, định mức kinh phí chi trả cho Hội đồng lựa chọn SGK chưa được hướng dẫn thống nhất gây khó khăn cho địa phương trong việc triển khai thực hiện. Sách giáo khoa môn Tiếng Anh quá nhiều (9 bộ/lớp), gây quá tải cho giáo viên tại các cơ sở giáo dục trong việc đọc, nghiên cứu để lựa chọn. Đối với biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, đội ngũ biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương chưa được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn. Mặt khác, các thành viên trong ban biên soạn và thẩm định là cán bộ quản lý, giáo viên kiêm nhiệm nên hạn chế về thời gian. Việc thẩm định tài liệu còn nhiều khó khăn, bất cập; đặc biệt là nguồn tư liệu chưa có sự đồng thuận cao. Hơn nữa, khâu in ấn, phát hành còn vướng thủ tục…

Ông Nguyễn Đức Tiến, Phó trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh (bìa trái) khảo sát tại trường mầm non Ánh Dương, Phường 1, TP Cà Mau
Về các khoản thu đầu năm học 2022-2023, qua làm việc và khảo sát thực tế cho thấy, các cơ sở giáo dục thực hiện khá nghiêm túc các quy định, việc tổ chức thu các khoản đóng góp trên tinh thần tự nguyện, không cào bằng, mục đích nhằm tạo quỹ khen thưởng, khích lệ các phong trào của học sinh nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ở cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, còn trường hợp đơn vị tổ chức thu mà chưa bám sát các quy định, dư luận không đồng thuận và ngành giáo dục đã chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
Trên cơ sở kết quả khảo sát và làm việc trực tiếp với các đơn vị, Đoàn khảo sát sẽ tổng hợp, báo cáo kết quả và có các kiến nghị, đề xuất cụ thể trong thời gian tới.
Khả Thanh