Trong những năm quan, trên địa bàn tỉnh Cà Mau cùng với quá trình đô thị hóa thì nhu cầu về nhà ở ngày tăng theo, trong đó có nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp. Theo rà soát của Sở Xây dựng hiện nay có hơn 11 ngàn người có thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở xã hội, tương đương 2.900 căn; đến năm 2025 có khoảng hơn 16 ngàn người có thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở xã hội, tương đương 4.200 căn; đến năm 2030 có hơn 22 ngàn người có nhu cầu về nhà ở xã hội, tương đương 5.774 căn.
Có thể khẳng định nhu cầu nhà ở xã hội của người thu nhập thấp ở đô thị là khá lớn, tuy nhiên việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh còn khá khiêm tốn và gặp nhiều khó khăn, bất cập. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 04 dự án nhà ở xã hội được triển khai thực hiện hoàn thành đưa vào sử dụng, với 714 căn nhà; 02 dự án độc lập đang ở giai đoạn giải phóng mặt bằng với diện tích đất 20,4 ha, 1.570 căn nhà (dự án nhà ở xã hội ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm và dự án nhà ở xã hội khóm 5, phường 9); 12 quỹ đất 20% phát triển nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại đang ở giai đoạn lập hồ sơ dự án đầu tư, thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng với diện tích đất 38,40 ha, 2.144 căn nhà. Ngoài ra, tỉnh đang công bố danh mục 06 dự án nhà ở xã hội kêu gọi đầu tư theo chương trình, kế hoạch nhà ở được phê duyệt với diện tích đất dự kiến 74,99 ha (03 dự án tại thành phố Cà Mau, 02 dự án tại huyện U Minh và 01 dự án tại huyện Ngọc Hiển).
Người có thu nhập thấp hiện nay một bộ phận ở nhà thuê, ở trọ, ở nhờ hoặc tự cất nhà ở không đúng quy định ở các hẻm tự phát. Tuy nhiên, qua khảo sát của Sở Xây dựng thì diện tích bình quân nhà trọ cho thuê trên địa bàn tỉnh Cà Mau là 7,43 mét vuông/sàn/người (riêng trên địa bàn thành phố Cà Mau chỉ đạt 6,33 mét vuông/sàn/người); điều này cho thấy, một bộ phận người thu nhập thấp thuê nhà ở trọ còn chật hẹp, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Cũng theo báo cáo của Sở Xây dựng, đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành 124 hẻm tự phát, với 2.054 căn nhà được người dân tự xây dựng trên đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, một số nơi điều kiện sống, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.
Những khó khăn, vướng mắc cơ bản trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang đặt ra đó là: Một số địa phương chưa thật sự quan tâm về công tác quản lý và phát triển nhà ở xã hội; chưa thực hiện triệt để, hiệu quả các giải pháp phát triển nhà ở theo chương trình, kế hoạch nhà ở đã được phê duyệt. Công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng gắn với công tác quy hoạch nhà ở xã hội triển khai còn chậm, chưa đồng bộ. Quỹ đất công để phát triển nhà ở xã hội còn ít. Công tác giải phóng mặt bằng các dự án còn tồn đọng kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm, làm phát sinh tăng chi phí bồi thường, chi phí đầu tư dự án và chậm tiến độ thực hiện dự án của chủ đầu tư. Theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất tại dự án để xây dựng nhà ở xã hội hoặc nộp tiền với giá trị tương đương; tuy nhiên, 12 dự án nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện tốt quy định này. Tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội gặp khó khăn; tính đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp tiếp cận được gói tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với phát triển nhà ở xã hội. Nguyên nhân, các dự án chưa đáp ứng được các điều kiện vay vốn ưu đãi, nhất là điều kiện về “hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng”. Việc thu hút nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn ít; theo phản ánh của một số doanh nghiệp, chính sách ưu đãi và mức hỗ trợ hiện nay cho một dự án đầu tư nhà ở xã hội riêng lẻ là rất thấp, khoảng 10%/01 dự án. Đầu tư phát triển nhà ở xã hội không mang đến lợi nhuận như hình thức đầu tư nhà ở thương mại, đất nền thương mại. Mặt khác, do điều kiện tự nhiên về thổ nhưỡng nền đất yếu, không có vật liệu xây dựng tại chỗ nên chi phí đầu tư cao so với các địa phương khác. Vì vậy, chi phí đầu tư hoàn thành 01 dự án nhà ở xã hội là rất cao, nên giá bán một căn nhà ở xã hội cao, người thu nhập thấp khó tiếp cận. Ngoài ra, do tập quán, thói quen người dân không thích nhà ở chung cư, trong khi đó theo quy định đô thị loại II (thành phố Cà Mau) phải ưu tiên xây dựng nhà chung cư.
Một góc của Khu nhà ở xã hội 56 căn thuộc sở hữu nhà nước,
khóm 4, Phường 9, thành phố Cà Mau
Không riêng ở Cà Mau, nhiều địa phương trong cả nước cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội và nhà ở xã hội làm "nóng" nghị trường trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng vào chiều ngày 3 tháng 11 năm 2022. Trả lời câu hỏi của một số đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa nhận khâu tổ chức thực hiện nhà ở xã hội vẫn còn những hạn chế. Cụ thể là hành lang pháp lý vẫn còn vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi tại Luật Nhà ở và các luật khác liên quan. Về tổ chức thực hiện vẫn còn khó khăn đó là ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; một số địa phương chưa chú trọng việc này để tập trung nguồn lực đầu tư hoặc phát triển quỹ đất... Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định mục tiêu phát triển nhà ở xã hội theo chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 chưa đạt mục tiêu theo yêu cầu và giá nhà ở xã hội cũng đang ở mức cao. Nguyên nhân là chưa đảm bảo được nguồn cung nhà ở xã hội; quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội cũng còn hạn chế; nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội chưa được đảm bảo; chính sách ưu đãi, khuyến khích chưa thật sự thu hút và khả thi...
Trong thời gian tới, để đầu tư phát triển nhà ở xã hội đạt hiệu quả, đạt mục tiêu, kỳ vọng đề ra trên địa bàn tỉnh Cà Mau, cần quan tâm đến một số giải pháp cơ bản như sau:
Về Trung ương, kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân phù hợp với tình hình mới. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, bổ sung các cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng chi trả của từng đối tượng. Nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, nhà ở thương mại giá thấp. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng liên quan đến nhà ở xã hội, nguồn vốn hỗ trợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội, mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở, hợp tác xã tín dụng... Ban hành bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở xã hội, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng vật liệu mới..., nhằm giảm giá thành nhà ở xã hội, cơ cấu sản phẩm nhà ở phù hợp, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu về y tế, giáo dục, văn hóa trong các dự án xây dựng nhà ở xã hội… Trả lời đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng cho biết trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ cùng với các cơ quan bộ, ngành tiếp tục tập trung quan tâm để rà soát trong các quy định của pháp luật để đảm bảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà trọ. Trong đó có quy trình thủ tục, đồng thời thực hiện các giải pháp để tháo gỡ trong thủ tục hành chính trong đầu tư đất đai, xây dựng, quy hoạch để triển khai phát triển nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Phương Đông, Trưởng ban Văn hoá - Xã hội, Trưởng Đoàn khảo sát, phát biểu tại buổi làm việc với Sở Xây dựng về tình hình đầu tư phát triển nhà ở hội trên địa bàn tỉnh Cà Mau
Về phía tỉnh Cà Mau, tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt hoạch đô thị gắn với quy hoạch bố trí dân cư, phát triển nhà ở xã hội. Quy hoạch các dự án nhà ở xã hội cần phải đồng bộ, gắn với hoạt động cư trú, sinh kế và hòa nhập cộng đồng. Đặc điểm cư trú của người dân có tính ổn định lâu dài hay ngắn hạn phù hợp với từng loại hình nhà ở xã hội. Nhu cầu của người dân không chỉ là cư trú, mà còn có các hoạt động kinh tế, việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Các loại cư trú cần lưu ý đến các mức độ hòa nhập cộng đồng sao cho phù hợp.
Rà soát, thống kê thật kỹ để dự báo nhu cầu, đối tượng, xác định từng giai đoạn, thời điểm để tập trung ngồn lực phát triển nhà ở xã hội đảm bảo tính hợp lý, khả thi và hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện đạt các chỉ tiêu theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình phát triển nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng. Trong điều kiện mời gọi đầu tư nhà ở xã hội còn khó khăn, cần quan tâm giải pháp phát triển nhà ở xã hội bằng nguồn ngân sách nhà nước, đến năm 2025 cần có ít nhất 01 dự án được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Cà Mau, nhằm góp phần thực hiện đạt chỉ tiêu nhà ở xã hội theo nghị quyết Hội đòng nhân dân tỉnh đề ra và hạn chế về xây dựng nhà tự phát, trái phép trên địa bàn thành phố Cà Mau. Đồng thời có giải pháp tạo quỹ đất sạch để đấu giá, mời gọi đầu tư nhà ở xã hội, trong đó xem xét ưu tiên, tập trung ở các đô thị động lực của tỉnh như thành phố Cà Mau, thị trấn Năm Căn, thị trấn Sông Đốc nhằm giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở tại các địa phương này.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, quy hoạch xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng... để hỗ trợ các nhà đầu tư đã lựa chọn hoặc đang hoàn thiện thủ tục để được chấp thuận là nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội độc lập nhằm bảo đảm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án. Đẩy mạnh hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở cho thuê. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đầu tư, hướng dẫn quy trình, thủ tục hồ sơ vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhà đầu tư tiếp cận. Đánh giá tính hiệu quả các chính sách trong quá trình thực hiện, kịp thời đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cập nhật thông tin, tuyên truyền rộng rãi chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở bằng nhiều hình thức khác nhau.
Trong phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án nhà ở thương mại cần có cơ chế ràng buột chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội theo quy định. Đối với các dự án thương mại có 20% qũy đất dành cho nhà ở xã hội, cần khẩn trương làm việc với các nhà đầu tư về tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện đầu tư hoàn thành hạ tầng trên qũy đất thực hiện nhà ở xã hội; đặc biệt tập trung, ưu tiên công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo đủ điều kiện để trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc bàn giao để địa phương có kế hoạch thực hiện nhà ở xã hội (trong trường hợp nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại không đầu tư nhà ở xã hội). Nghiên cứu giải pháp quy hoạch tập trung một khu nhà ở xã hội đối với các dự án nhà ở thương mại lân cận và đảm bảo tiếp cận tốt hạ tầng kỹ thuật – xã hội khu vực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và tuân thủ đúng quy địnhp háp luật.
Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội; kiên quyết thu hồi các dự án nhà ở xã hội chậm triển khai, đã giao đất nhưng không thực hiện theo tiến độ được phê duyệt. Sớm có biện pháp xử lý triệt để, hợp lý các trường hợp cất nhà trên đất nông nghiệp, không phép, trái phép; trong đó cần quan tâm đến giải pháp rà soát quy hoạch trên địa bàn, các quy hoạch không còn phù hợp, không khả thi tổ chức điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua rà soát, quan tâm cân nhắc giải pháp điều chỉnh quy hoạch theo hướng giữ lại và mở rộng, chỉnh trang một số hẻm, đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, giữ lại nhà ở cho người dân sử dụng; đối với các hẻm không phù hợp quy hoạch, khu vực có thể phát triển khu dân cư, khu đô thị mới, cần kiên quyết xử lý các trường hợp nhà ở phát sinh mới.
Đức Tiến