Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh (Văn phòng) có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc tham mưu giúp việc cho Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội, HĐND và đại biểu HĐND trong việc tiếp nhận và xử lý đơn thư. Do đó, cán bộ, công chức Văn phòng tham gia thực hiện công tác này nắm vững văn bản pháp luật có liên quan đến việc tiếp nhận và xử lý đơn thư; nhất là thẩm quyền, phạm vụ xử lý đơn thư, cũng như việc giám khảo sát, giám sát việc chấp hành pháp luật trong giải quyết đơn thư của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh…Từ đó, sẽ giúp cho Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mình.

   Một số quy định pháp luật về tiếp nhận, xử lý đơn thư của Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội, HĐND và đại biểu HĐND
   Công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư của Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội, HĐND và đại biểu HĐND được quy định trong nhiều Luật và các văn bản pháp luật khác nhau. Chủ yếu áp dụng thực hiện tại các văn bản như sau:
   + Điều 28, Điều 43, Luật Tổ chức Quốc hội số 57/20214/QH13 ngày 20/11/2014 và Luật số 65/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
   + Điều 47, Điều 66, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016.
   + Điều 95, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019).
   + Mục II, mục III, Nghị quyết số 228/1999/NQ-UBTVQH10 ngày 27/10/1999 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc đại biểu Quốc hội công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân.
   + Tại Điều 14, Điều 15, Điều 16, Nghị quyết số 759/2014/UBTVQH13 ngày 15/5/2014 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

   Tựu chung các luật và nghị quyết nêu trên đã quy định phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND và đại biểu HĐND trong việc tiếp nhận, xử lý đơn thư, với các nội dung cơ bản như sau: (1) Có trách nhiệm tiếp nhận đơn thư, tổ chức nghiên cứu và chuyển đơn đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật. (2) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết đơn thư có trách nhiệm  thông báo cho đại biểu về kết quả giải quyết đơn thư được chuyển đến trong thời hạn quy định của pháp luật. (3) Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND và đại biểu HĐND có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết đơn thư do mình chuyển đến. (4) Trường hợp xét thấy việc giải quyết đơn thư không đúng pháp luật, đại biểu có quyền gặp người đứng đầu cơ quan, tổ chức hữu quan để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại. (5) khi cần thiết đại biểu yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết. (6) Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND và đại biểu HĐND có quyền tổ chức giám sát việc giải quyết đơn thư của công dân mà mình chuyển đến.

   Trong các nội dung nêu trên lưu ý: Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND và đại biểu HĐND không trực tiếp giải quyết đơn thư của công dân mà chỉ xử lý bằng việc tiếp nhận, nghiên cứu, phân loại và chuyển đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn thư và giám sát việc giải quyết đơn thư của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

   Về quy trình xử lý đơn thư của Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội, HĐND, đại biểu HĐND vận dụng thực hiện theo Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiếp xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trong quy trình này, đã nêu ra nguyên tắc xử lý đơn; công tác tiếp nhận, phân loại đơn; xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo và xử lý các loại đơn khác; quy định công tác quản lý, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết đơn thư.

   Việc nắm chắc các nội dung nêu trong Thông tư số 07 có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là việc phân loại đơn thư. Cán bộ, công chức Văn phòng được phân công phụ trách công tác này thực hiện tốt việc phân loại đơn thư của công dân gửi đến sẽ tham mưu cho tốt cho Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội,  Thường trực HĐND, đại biểu HĐND trong thực hiện các bước tiếp theo trong quá trình xử lý đơn thư.

   Mỗi loại đơn gắn với thẩm quyền, trình tự, thủ tục pháp luật giải quyết khác nhau. Khi phân loại lưu ý một số đặc điểm của đơn như: (1) Đơn thuộc loại khiếu nại, tố cáo hay phản ảnh, kiến nghị. (2) Người đứng tên, người được ủy quyền hoặc người đại diện và địa chỉ. (3) Tình trạng đơn đã được giải quyết, đang giải quyết hay chưa giải quyết. (4) Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức nào. (5) Đơn đủ điều kiện xử lý hoặc không đủ điều kiện xử lý.

   Sau khi phân loại, đề xuất xử lý đơn theo các hướng: (1) Lưu đơn (đối với đơn không đủ điều kiện xử lý theo quy định). (2) Hướng dẫn người làm đơn gửi đơn đến đúng cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết. (3) Chuyển đơn đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật. (4) tham mưu đề xuất Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, đại biểu HĐND tỉnh xử lý đơn thư (thông thường đối với các loại đơn đã được xử lý nhưng quá thời hạn giải quyết theo quy định mà chưa được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết…).

   Ngoài việc tiếp nhận và tham mưu xử lý đơn thư, trách nhiệm của cán bộ, công chức phục vụ công tác này là phải phối hợp thực hiện việc phát hành văn bản xử lý đơn thư theo đúng quy định; làm đầu mối trong việc tham mưu lưu trữ hồ sơ vụ việc; theo dõi xử lý đơn của Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, đại biểu HĐND và việc giải quyết đơn thư của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; có trách nhiệm cung cấp thông tin xử lý đơn khi có yêu cầu và tổng hợp báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo quy định.

 Hoà Hợp