Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ trả lời chất vấn. Nội dung tập trung vào 3 vấn đề (1) Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; (2) Việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; (3) Việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 
Ảnh: ĐBQH Nguyễn Duy Thanh, Ủy viên Ủy ban Tài chính,  Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau 
 


Đại biểu Nguyễn Duy Thanh thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau chất vấn về sự phát triển của mạng xã hội có thể nói là “bùng nổ” trong những năm qua, kéo theo tình trạng tin tức giả, tin tức sai sự thật gây nhiễu loạn… tạo ra những hệ lụy tiêu cực, bức xúc trong dư luận xã hội, vừa cạnh tranh khốc liệt với báo chí chính thống về cả thông tin lẫn doanh thu. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết với vai trò quản lý nhà nước, Bộ trưởng sẽ có phương án như nào để quản lý mạng xã hội?
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Duy Thanh về vấn đề quản lý mạng xã hội chống tin giả, tin sai sự thật, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà mang tính toàn cầu. Bàn về một số giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đầu tiên là vấn đề hoàn thiện thể chế “trước đây, chúng ta mới quy định xử lý cá nhân sử dụng mạng xã hội khi đưa thông tin sai sự thật, tin giả. Mới đây, chúng ta đã đưa vấn đề xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm luật pháp Việt Nam. Trước đây, chúng ta cho rằng đây là trách nhiệm của quản lý nhà nước, nhưng thật ra trách nhiệm lớn là đối với các nền tảng xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, họ phải có trách nhiệm rà quét, tự động gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc. Bên cạnh đó, chúng ta đang sống trong không gian mới là không gian số trong khoảng 10 năm trở lại đây. Vì vậy, vấn đề truyền thông để mọi người có kỹ năng số, biết sử dụng các nền tảng số, có khả năng đề kháng cho không gian số, đào tạo cho cả thế hệ tương lai (học sinh, sinh viên) là rất cần thiết.
Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang tập trung vào 3 nhóm, trong đó khi người dân bị ảnh hưởng bởi thông tin sai, tin xấu độc thì có nơi để họ phản ánh, có nơi đề nghị giúp đỡ. Qua đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm chống tin giả quốc gia và các địa phương cũng thành lập các Trung tâm như vậy. 

                                                                                                     Thúy Hằng