Ông Võ Thanh Tòng, Tổ trưởng, phát biểu tại buổi làm việc
Từ năm 2018 đến đầu tháng 9 năm 2019, trên địa bàn huyện Đầm Dơi đã xảy ra 66 vụ sạt lở ven sông, 59 vụ lốc xoáy, làm thiệt hại hoàn toàn 127 căn nhà, hư hỏng 297 căn, 15 đoạn lộ đất đen và 24 đoạn lộ bê tông, tổng chiều dài 3003m… thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Ngoài ra, những tháng cuối năm 2018, xảy ra 02 đợt chiều cường dâng cao, dẫn đến 13 hộ bể bờ nhưng với chiều dài 64m, gây ảnh hưởng đến 21 hộ lân cận, thiệt hại khoảng 135 triệu đồng.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Anh Chót và Chủ tịch UBND các xã Tân Duyệt, Thanh Tùng, Quách Phẩm cho biết, hiện nay có nhiều khu vực, vị trí, tuyến sông trên địa bàn huyện có nguy cơ sạt lở cao như: Tuyến lộ Bàu sen, tuyến lộ xe Đầm Dơi – Tân Tiến, Đầm Dơi – Tân Duyệt, Tân Dân, Khu vực chợ Cái Keo, Thanh Tùng, Vàm Đầm… Qua đó, huyện cũng nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống và khắc phục sạt lở trên địa bàn huyện; đồng thời đã có ý kiến, kiến nghị với Tổ đại biểu về một số vấn đề liên quan đến việc hỗ trợ kinh phí và các giải pháp để khắc phục nhằm hạn chế tình trạng trên.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Liên đòan Lao động tỉnh, Tổ trưởng Võ Thanh Tòng ghi nhận các kiến nghị và chia sẽ những khó khăn trong công tác phòng, chống và khắc phục sạt lở của huyện thời gian qua; thời gian tới huyện cần tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân có ý thức chủ động hơn trong công tác phòng, chống sạt lở ven sông, vận động không nên cất nhà ở ven sông, tích cực trồng cây mắm, đước ven sông để hạn chế tình trạng sạt lở; Lãnh đạo UBND huyện nên mời các ngành chức năng, Chi cục thủy lợi tỉnh và các ngành có liên quan cùng trao đổi, khảo sát thực tế nhằm tìm ra giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác này trong thời gian tới, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về vật chất cho người dân./.
HT