Đại biểu Lê Thanh Vân, phát biểu tại Hội trường

   Tại buổi thảo luận, ông Lê Thanh Vân,  Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau phát biểu và đề xuất một số nội dung như sau:

   Đại biểu cơ bản tán thành với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng thành tựu nổi bật nhất trong công tác lập pháp, đó là đã thông qua được Đề án về chương trình xây dựng pháp luật toàn khóa, việc này mới làm thay đổi căn bản diện mạo của công tác lập pháp.


   Về những hạn chế, đại biểu cho rằng cơ bản nhất là một số hạn chế nổi lên mà đến nay vẫn chưa giải quyết được. Một là kỷ luật lập pháp, không biết từ bao giờ và đến bây vẫn chưa xử lý được, gần như lần nào bàn đến công tác xây dựng pháp luật cũng nêu lên kỷ luật lập pháp là không hoàn thành.


   Thứ hai, là việc điều chỉnh thường xuyên chương trình xây dựng pháp luật cho thấy rằng tính ổn định và chương trình của Quốc hội còn chưa bền vững. Điều chỉnh nhiều có nghĩa là thay đổi nhiều, thay đổi nhiều có nghĩa là tính bất biến và không ổn định. Xây dựng chương trình pháp luật là gốc rễ của quyền lập pháp, thuộc quyền của Quốc hội, Quốc hội đã thông qua rồi thì hạn chế đến mức tối đa việc điều chỉnh, như vậy mới là tôn trọng Quốc hội.


   Thứ ba, là thành phần Ban soạn thảo chưa cải tiến, vẫn chủ yếu là các cơ quan đề xuất, kiến nghị sửa đổi luật, họ tự sửa cho mình thì đương nhiên là không thể khách quan được.


   Thứ tư, là công tác tập hợp hóa, pháp điển hóa, chưa làm thường xuyên cho nên không nhận diện ra được những xu hướng thay đổi của các quan hệ xã hội mà có thể trong đạo luật đã lạc hậu rồi cần phải sửa đổi, bổ sung.


   Thứ năm, là việc phân công, phân nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật chưa được chú trọng. Vì vậy, đại biểu cho rằng phải thay đổi cách nhìn trong thời gian tới, trước hết là xu hướng tác động đến hoạt động lập pháp. Thứ nhất là về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động đến nhiều chiều khiến cho đón đầu các quan hệ xã hội thay đổi, tác động đến quản lý xã hội thay đổi. Thứ hai là an ninh phi truyền thống, chẳng hạn như đại dịch COVID-19 vừa rồi, thách thức chúng ta chưa từng có trong tiền lệ thì ứng phó và nhận diện, đón đầu là rất quan trọng. Lập pháp phải luôn luôn đi song song với cuộc sống, không thể đi sau hoặc đi trước hơn một bước. Xu hướng quản trị thay cho quản lý hành chính bằng cai trị, tức là xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển thay vì Nhà nước cai trị. Xu hướng nữa là kiểm tra lập pháp bằng thực chứng. Đó là các xu hướng tác động đến hoạt động lập pháp rất cao.

     Cho nên, về giải pháp, đại biểu đề nghị:


   Thứ nhất, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trước hết, phải luật hóa được sáng kiến của Đảng đoàn Quốc hội, đó là đưa chiến lược lập pháp vào thành một quy định cho mỗi khóa Quốc hội. Tại sao chúng ta có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, thông qua kế hoạch tài chính công 5 năm mà lại không có kế hoạch xây dựng pháp luật 5 năm, từ đó có tầm nhìn xa hơn, thứ tự ưu tiên sắp xếp để thông qua thứ tự đạo luật nào trước, đạo luật nào sau, song hành với nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc mỗi một nhiệm kỳ. Tại sao chúng ta không làm điều đó, cho nên cần phải đưa vào chính thức bằng luật.
 

   Thứ hai, thành phần Ban soạn thảo cần mở rộng hơn, chú trọng đến các nhà khoa học, đặc biệt là đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Quy định của pháp luật tác động đến họ phải để cho họ lên tiếng chứ không để cho những người nắm giữ công cụ được quyền sửa đổi các công cụ, còn đối tượng tác động của công cụ đấy thì không được. Quá trình đó là quá trình trao đổi giữa 2 chiều.


   Thứ ba, phải lấy ý kiến nhân dân rộng rãi theo Luật Trưng cầu dân ý. Đối với đạo luật tác động đến đời sống của Nhân dân thì cần phải trưng cầu dân ý chứ không phải lấy ý kiến hình thức nhỏ hẹp như vừa qua. Thành phần Ban soạn thảo cần phải có cả đại diện của các nhóm xã hội nếu như có tác động đến đời sống nhân dân.


   Kỹ thuật lập pháp, lâu nay chúng ta thiên về công thức đã định dạng trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chưa chú trọng đến tính quy phạm của các quy định trong đạo luật. Trên thực tế, có nhiều đạo luật mang nặng các quy phạm chính trị. Quy phạm chính trị nó chỉ tồn tại trong các văn bản lãnh đạo, còn các đạo luật là văn bản quản lý Nhà nước thì tính quy phạm của nó phải cao hơn, tức là các yếu tố cấu thành nên quy phạm pháp luật phải rõ ràng hơn. Trong khi đó, kỹ thuật lập pháp trong nhiều trường hợp vẫn chép nguyên lại, thậm chí còn chung hơn các quy phạm chính trị, như vậy làm sao thực hiện được, nó khó cho công tác cụ thể hóa trong cuộc sống và khó cho nhận thức chung của xã hội khi áp dụng thực hiện. Cho nên, đề nghị hạn chế tối đa việc sao chép lại các quy phạm chính trị như là sao chép lại Hiến pháp hay sao chép lại các Nghị quyết của Đảng trong các đạo luật, như thế không bảo đảm được tính khoa học, dân tộc của đại chúng được. 
 

   Tăng cường giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để kiểm tra lại các quy định mà Quốc hội đã thông qua và kiểm tra việc tổ chức thực hiện của các cơ quan hành pháp và tư pháp.


   Về chương trình xây dựng pháp luật năm 2023, đại biểu tán thành với tờ trình, nhưng đề nghị không đưa các dự án luật mà Quốc hội khóa XIV đã không tán thành. Dưới một sự lãnh đạo của Đảng trong một hệ thống chính trị nhất nguyên chúng ta không thể có 2 Quốc hội, một Quốc hội bác bỏ và một Quốc hội kế sau đó khởi động lại việc đấy được, như vậy sẽ không bảo đảm được tính lãnh đạo thống nhất của Đảng và nhận thức xã hội chung về những vấn đề mà Quốc hội đã quyết.


                                                                                               Thúy Hằng