ĐBQH Nguyễn Quốc Hận, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau
Tại buổi thảo luận, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau tham gia một số ý kiến vào Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) cụ thể như sau:
Thời gian qua, một số chủ trương về cơ chế đặc thù cho một số địa phương đã quy định một áp dụng ở một số lĩnh vực như tách dự án bồi thường về giải phóng mặt bằng, cũng như là giao cho địa phương trong một số dự án liên tỉnh thì đã thể hiện được tính ưu việt, do đó đại biểu thống nhất rất cao vấn đề này.
Về việc cho cơ chế đặc thù các tỉnh sau thời gian thực hiện, chúng ta cần kiểm nghiệm cái nào vượt trội và cái nào đi vào đời sống, xã hội thì chúng ta nên thể chế hóa nó thành luật để áp dụng chung cho toàn quốc, tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn trong quá trình tổ chức thực hiện và đại biểu ủng hộ rất cao về việc sửa đổi Luật Đầu tư công lần này.
Đại biểu cũng rất ấn tượng về phân cấp, phân quyền cho Ủy ban nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C. Vì trong thời gian qua thủ tục về đầu tư còn rất nhiều nhiêu khê, qua rất nhiều khâu trung gian rất tốn kém về mặt thời gian cũng như là chi phí, cho nên những dự án nào chúng ta cảm thấy tương đối thì mạnh dạn giao thẩm quyền cho địa phương để từng bước tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án được triển khai nhanh nhất, thuận lợi và giảm được thời gian. Bên cạnh đó, đại biểu băn khoăn về hai nội dung:
Thứ nhất, là phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giữa Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Đại biểu cho rằng đây là việc bình thường, tuy nhiên chỉ trong trường hợp đặc biệt nhưng không được thay đổi tổng mức vốn trung hạn đã được Quốc hội quyết định và phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất.
Thứ hai, là về quy định danh mục dự án Chính phủ báo cáo Quốc hội để ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm khi thông qua Quốc hội thì nên thông qua danh mục chính thức, không nên thông qua danh mục dự kiến và khi điều chỉnh thì phải có ý kiến của Quốc hội.
Ảnh: ĐBQH Nguyễn Duy Thanh, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau
Phát biểu thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau đóng góp như sau:
Tại khoản 4 Điều 6 Dự thảo Luật sửa khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế yêu cầu nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử phải khấu trừ, khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Quy định này có một số vấn đề cần lưu ý như sau:
(1) Tác động lớn tới các đối tượng bị điều chỉnh mà chưa được đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng. Trong Báo cáo đánh giá tác động chính sách, Bộ Tài chính nêu rằng quy định này không có tác động tiêu cực đối với các đối tượng liên quan. Tuy nhiên, yêu cầu nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử phải khấu trừ, khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ có nhiều tác động với các đối tượng bị điều chỉnh, đặc biệt là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, cụ thể:
- Việc kê khai thuế là một vấn đề rất phức tạp, và để thực hiện điều này, các sàn sẽ phải thuê thêm rất nhiều nhân sự về thuế chỉ để thực hiện việc tổng hợp, tra soát số liệu và kê khai thuế cho các hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn.
- Việc kê khai và nộp thuế thay sẽ có khả năng dẫn đến khiếu nại, tranh chấp giữa các hộ, cá nhân kinh doanh và sàn giao dịch thương mại điện tử trong quá trình thực hiện, do vậy, các sàn sẽ phải thuê thêm cả các nhân viên chăm sóc khách hàng để làm việc với các hộ, cá nhân kinh doanh về vấn đề thuế.
- Sàn có thể nhiều sản phẩm khác nhau với các mức thuế suất khác nhau, sàn TMĐT cũng sẽ phải cập nhật hệ thống để thể hiện từng mức thuế suất của từng sản phẩm khác nhau để có thể kê khai một cách chính xác, làm gia tăng nhiều chi phí tuân thủ đối với các nền tảng.
- Trách nhiệm của các nền tảng thương mại điện tử trong trường hợp xảy ra vấn đề lộ, lọt thuế cũng là một vấn đề cần được thảo luận, đánh giá một cách cẩn thận để đảm bảo sự công bằng cho tất cả các bên tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt là đối tượng sàn giao dịch thương mại điện tử, do về bản chất, quy định này đang yêu cầu họ phải thực hiện việc thu thuế thay cho cơ quan thuế.
(2) Quy định trên sẽ khiến cho người bán hàng nhỏ lẻ bị thiệt hại do không được hoàn thuế giá trị gia tăng:
Luật Thuế GTGT quy định hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ một trăm triệu đồng trở xuống thì không chịu thuế GTGT. Dự thảo Luật Thuế GTGT đang trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này, đã tăng mức doanh thu chịu thuế VAT lên hai trăm triệu đồng.
Rất nhiều hộ, cá nhân kinh doanh hiện nay chưa đạt ngưỡng doanh thu một năm trên một trăm triệu đồng. Với ngưỡng mới là dưới hai trăm triệu đồng, con số này còn tăng lên nữa. Các hộ, cá nhân kinh doanh thường kinh doanh thông qua nhiều kênh khác nhau (trực tiếp, gián tiếp), và trên kinh doanh nhiều sàn thương mại điện tử khác nhau. Các sàn không thể có đầy đủ thông tin về tổng thu nhập của từng hộ, cá nhân kinh doanh, và không thể xác định được thời điểm bắt đầu thu thuế. Nếu một sàn thương mại điện tử đợi đến khi hộ, cá nhân chạm ngưỡng thu thuế trên nền tảng của mình mới tiến hành khấu trừ thuế, thì sẽ dẫn đến rủi ro thất thu thuế, vì tổng thu nhập từ mọi nguồn của hộ, cá nhân kinh doanh có thể đã vượt ngưỡng từ trước đó.
Ngoài ra, để giảm rủi ro lọt thuế, các sàn thương mại điện tử sẽ phải khấu trừ thuế từ toàn bộ doanh thu của mọi hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn của mình. Khi đó, các hộ, cá nhân kinh doanh sẽ phải chịu thiệt thòi, có thể mất đi 8-10% doanh thu, do Luật thuế GTGT không hề có cơ chế hoàn lại thuế cho các hộ, cá nhân kinh doanh trong trường hợp thu thừa thuế GTGT.
(3) Quy định không thực sự nhằm mục đích tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp:
Quy định tại khoản 4 Điều 6 Dự thảo Luật rõ ràng chưa được đánh giá tác động kỹ càng, rõ ràng là đẩy gánh nặng kê khai thuế sang cho doanh nghiệp, vốn là một vấn đề rất phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội, và như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh, gia tăng vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.
Do vậy, đề nghị rà soát và chỉnh lý quy định tại khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế sao cho bảo đảm cân bằng giữa yêu cầu quản lý Nhà nước và mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Nếu với mục tiêu chống thất thu thuế từ các hoạt động thương mại điện tử, và thể hiện vai trò, trách nhiệm của các sàn TMDT chung tay với Nhà nước thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử, có thể quy định theo hướng các sàn chỉ phải khấu trừ thuế từ doanh thu của các hộ, cá nhân kinh doanh theo một mức đã được cơ quan có thẩm quyền xác định.
Thúy Hằng