Ảnh: ĐBQH Nguyễn Duy Thanh, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phát biểu thảo luận về Dự thảo Luật, một số tồn tại của ngành điện và có một số đề xuất kiến nghị:
Thứ nhất, theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh về vấn đề độc quyền của ngành điện lực tại điểm c khoản 2 Điều 5 Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) quy định Nhà nước độc quyền trong các hoạt động sau đây vì mục đích bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia: “c) Vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng”, quy định này mâu thuẫn với khoản 5 Điều 5 quy định “5. Xoá bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý, thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư, khai thác sử dụng dịch vụ cơ sở vật chất của hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện do mình đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật”. Đồng thời, hiện nay lưới điện quốc gia khoảng 95% do Nhà nước đầu tư thì không thể xã hội hóa được theo khoản 5 Điều 5 của Dự thảo Luật, đại biểu kiến nghị sửa lại điểm c khoản 2 Điều 5 quy định Nhà nước độc quyền trong các hoạt động sau đây vì mục đích bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia: “c) Vận hành lưới điện truyền tải cao áp và siêu cao áp’’.
Đại biểu cũng chỉ ra rằng, hiện nay đang thiếu điện nhưng EVN vẫn đều đều cắt giảm, sa thải sản lượng điện của các dự án điện mặt trời áp mái quy mô nhỏ đã ký với nhà đầu tư hợp đồng 20 năm không có điều khoản cắt giảm, trong khi EVN tăng giá bán điện là chưa đúng với chủ trương của Đảng, Nhà nước về khuyến khích phát triển điện mặt trời theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, về vấn đề phân cấp phân quyền, đại biểu đề nghị Trung ương chỉ duyệt quy hoạch các công trình điện, việc thẩm định, phê duyệt dự án giao lại cho địa phương thực hiện, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành điện. Như vậy mới đúng với chỉ đạo của Tổng Bí thư về đột phá thể chế, giảm thủ tục hành chính. Ví dụ: tại khoản 3 Điều 19 của Dự thảo Luật quy định tất cả các dự án thủy điện phải do Bộ Công thương thẩm định, quy định như vậy là chưa đúng với chủ trương trên của Đảng và Nhà nước.
Thứ ba, Dự thảo Luật còn nhiều quy định thể hiện sự độc quyền của ngành điện lực, ví dụ: tại điểm b, c khoản 4 Điều 33 “b)…tổ chức cá nhân có trách nhiệm thảo thuận với đơn vị mua điện về tỷ lệ sản lượng điện dư…” hoặc “c) Bên bán điện chịu trách nhiệm lắp đặt hệ thống đo điếm…” giữa các doanh nghiệp và điện lực cần phải hợp tác bình đẳng, do đó đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “trách nhiệm’’.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng nhu cầu về điện ngày càng tăng cao, nhưng Dự thảo Luật lại thắt chặt, kiểm soát nguồn cung, cũng như quy định nhiều giấy phép tại Điều 47, sẽ đẩy giá điện tăng cao như hiện nay làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.
Thứ tư, về xuất khẩu điện tại khoản 3 Điều 75 quy định “3. Giá xuất khẩu điện do đơn vị điện lực xây dựng căn cứ theo nguyên tắc tại khoản 1 Điều này. Trường hợp xuất khẩu điện với nước ngoài qua lưới điện quốc gia, bên bán điện căn cứ nguyên tắc tại khoản 1 Điều này và căn cứ quy định giá bán lẻ điện tại khoản 1 Điều 86 để thỏa thuận, thống nhất với bên mua điện”. Đại biểu cho rằng, quy định nêu này chưa phù hợp, vì việc đầu tư là do doanh nghiệp nên giá bán điện phải do doanh nghiệp quyết định sau khi làm nghĩa vụ nộp ngân sách với Nhà nước, nếu đơn vị điện lực quyết định giá thì dẫn đến thua lỗ và vô lý.
Đại biểu cũng bày tỏ, đã qua tỉnh Cà Mau có nhiều doanh nghiệp đến đăng ký đầu tư điện gió để xuất khẩu, hiện tại có các đối tác của Singapore đang đặt vấn đề mua điện của Cà Mau kéo lưới điện cáp ngầm vượt biển từ Mũi Cà Mau đến Singapore không thông qua lưới điện quốc gia, tiền doanh nghiệp đầu tư thì nên để doanh nghiệp tự thỏa thuận giá hợp lý để bán cho đối tác nước ngoài, vì vấn đề này không liên quan đến EVN.
Ngoài ra, Đề án “Xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau” đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Công văn số 647/VPCP-TH ngày 04/02/2023, đại biểu kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm có ý kiến chỉ đạo Bộ Công thương hướng dẫn địa phương sớm triển khai thực hiện.
Thứ năm, vấn đề chuyển tiếp các dự án quy định tại khoản 10 Điều 130 Dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho dự án đang triển khai, và giao cho EVN đàm phán ký hợp đồng quyết định vận mệnh của các dự án chậm trễ là chưa đúng với Luật Đầu tư, vì việc chậm trễ không do lỗi của nhà đầu tư thì không thể dừng. Các dự án này cần được áp dụng tại khoản 8 Điều 5 của Dự thảo Luật, trong cả thời kỳ không hạn chế 12 tháng. Theo đại biểu được biết, hiện nay có 09 dự án ở Long An, Hiệp Phước, Quảng Ninh, Hải Lăng, Thái Bình, Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2, Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 thuộc diện này. Các dự án này cần phải được ưu tiên phát triển vì trong 10 năm tới chúng ta thiếu tới 40.000M điện, nếu chúng ta áp đặt thì sẽ không khuyến khích nhà đầu tư hiện tại cũng như các nhà đầu tư tương lai, dẫn đến thiệt hại ngân sách Nhà nước và an ninh năng lượng quốc gia.
Thúy Hằng