Cà Mau hiện có 4 khu du lịch: Khai Long, Đất Mũi, Hòn Đá Bạc và Sông Trẹm; 14 điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, có ba tuyến du lịch chính gồm: Vườn quốc gia U Minh hạ - Hòn Đá Bạc; Cà Mau - Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm; Cà Mau - Vườn quốc gia Mũi Cà Mau – Khu du lịch Đất Mũi. Những năm gần đây, ngành du lịch Cà Mau đã có bước phát triển khá, lượt khách tăng bình quân hằng năm từ 12-14%; doanh thu hằng năm tăng bình quân khoảng 30%. Du lịch Cà Mau đã tạo được sự lan tỏa rộng và nhận được sự quan tâm, hợp tác của nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong và ngoài nước.
Đại biểu cho rằng, Cà Mau có tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch nhưng đang thiếu nhà đầu tư chiến lược. Việc thu hút doanh nghiệp, cộng đồng tham gia hoạt động du lịch còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, nhất là giao thông đường bộ đến các khu, điểm du lịch còn khó khăn; giữa các điểm du lịch chưa có sự gắn kết; lao động ngành du lịch chưa qua đào tạo còn nhiều; thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng…
Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức trong các tầng lớp Nhân dân về phát triển du lịch, xem đây là ngành kinh tế mũi nhọn, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Sơ kết việc thực hiện các nghị quyết, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sở, ngành, địa phương có liên quan đến phát triển du lịch, đưa ra giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh về mặt thể chế sao cho phù hợp, trên tinh thần cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người dân tham gia phát triển du lịch. Phát triển du lịch trên cơ sở Nhà nước định hướng, mời gọi nhà đầu tư, huy động sức dân. Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện yêu cầu các cấp, các ngành phải trên tinh thần khó đâu gỡ đó để du lịch Cà Mau cất cánh. HĐND tỉnh sẽ ban hành Nghị quyết về lĩnh vực này nhằm giải quyết khó khăn cho ngành du lịch của tỉnh trong thời gian sớm nhất.
Trong chiều 07/5, phiên họp tiếp tục giải trình, làm rõ công tác xử lý chuyển nguồn ngân sách năm 2018 sang 2019 và hủy dự toán của các cơ quan, đơn vị. Trong đó, đại biểu đặc biệt quan tâm tổng số dự toán phải hủy năm 2018 hơn 50 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách cấp tỉnh hơn 43 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện hơn 7 tỷ đồng. Đại biểu cho rằng: Trong điều kiện Cà Mau chưa tự cân đối ngân sách, hằng năm đều phải nhận hỗ trợ của ngân sách Trung ương, các cơ quan, đơn vị cần khắc phục ngay từ khâu lập dự toán, tổng hợp dự toán, điều hành dự toán được giao để hạn chế số dự toán phải hủy./.
Khả Thanh