Ảnh minh họa (internet)

   Cơ quan phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng gồm Sở Xây dựng, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, gia hạn, cấp lại và thu hồi giấy phép xây dựng do mình cấp; bên cạnh đó, UBND tỉnh quy định thời hạn tồn tại và quy mô công trình cấp giấy phép xây dựng có thời hạn, cụ thể: 
   Về thẩm quyền: Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng đối với công trình thuộc đối tượng có yêu cầu phải cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh…”; Ban Quản lý Khu kinh tế “cấp giấy phép xây dựng đối với công trình thuộc đối tượng có yêu cầu cấp giấy phép xây dựng thuộc chức năng và phạm vi quản lý của đơn vị” và thẩm quyền của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố “cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý”.
   Về thời hạn tồn tại công trình cấp giấy phép xây dựng có thời hạn: Tùy theo tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch xây dựng điều chỉnh, thời hạn tồn tại của công trình không quá 03 năm đối với công trình thuộc khu vực có đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt và không quá 05 năm đối với công trình thuộc khu vực có quy hoạch phân khu xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở chủ trương điều chỉnh quy hoạch xây dựng của cấp có thẩm quyền và kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, cơ quan cấp giấy phép xây dựng quyết định thời hạn tồn tại của công trình ghi trên giấy phép xây dựng.
Về quy mô công trình cấp giấy phép xây dựng có thời hạn: tối đa là 02 tầng, độ cao dưới 10 mét; có giải pháp kết cấu dễ tháo dỡ phù hợp với thời gian thực hiện quy hoạch xây dựng được phê duyệt; đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy, kiến trúc, cảnh quan và đáp ứng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật theo quy định.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 21 tháng 6 năm 2021./.

HT