Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận – Đoàn Cà Mau, chất vấn


     Xin Bộ trưởng cho biết đối với ngành giáo dục thì việc cấm dạy thêm, học thêm có rất nhiều lý do nhưng trong đó có một lý do là để nâng cao chất lượng dạy và học ở lớp. Vậy với ngành y tế thì việc bác sĩ hay nhiều bác sĩ liên kết xây dựng phòng mạch riêng thì có làm ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh ở bệnh viện không?

 

Ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, trả lời


     Đối với đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận đoàn Cà Mau về việc bác sĩ hành nghề thì có ảnh hưởng đến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh hay không? Đối với giáo viên thì không có dạy thêm, học thêm nhưng đối với người thầy thuốc thì có cho làm thêm, nó có xuất phát từ mấy vấn đề. Khi chúng tôi tiến hành tổng kết từ giai đoạn trước đây thì thấy rằng vấn đề về hành nghề của bác sĩ, lúc đó phụ thuộc rất nhiều yếu tố về thu nhập của người bác sĩ, mức độ hành nghề của người bác sĩ và uy tín của người bác sĩ đó. Vì vậy khi đó chúng ta trình Quốc hội cho phép là được hành nghề và được lập các phòng khám, tức là được làm việc ngoài giờ, ngoài giờ này vừa đảm bảo thu nhập đối với bác sĩ. Vấn đề thứ hai rất quan trọng là cũng từ đó mà nâng cao năng lực cho nhân lực y tế cho các bác sĩ như vậy.


     Vấn đề thứ ba là chúng ta không nên phân biệt quá giữa công và tư. Bởi vì, suy cho cùng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân là sự kết hợp hài hòa giữa công và tư, lực lượng về công lập và lực lượng tư nhân. Vì vậy, việc trao đổi, chia sẻ đối với lực lượng y tế giữa đơn vị công lập và tư nhân để làm sao chúng ta nâng cao chất lượng cho tất cả các dịch vụ để làm sao người dân được tiếp cận dịch vụ có chất lượng, tất cả. Ví dụ kể cả công lập và tư nhân và báo cáo với các đồng chí như vậy. Mặt khác thì chúng tôi đã có những quy định về quản lý thời gian hành nghề, thời gian đủ để bác sĩ tái tạo sức lao động, đảm bảo những công việc có liên quan đến việc công lập và nghiêm cấm việc các đơn vị công lập không kết thúc được nhiệm vụ của mình lại đưa ra ngoài tư nhân, chúng tôi đã chỉ đạo đối với các địa phương, nhất là đối với Sở Y tế các tỉnh, thành phố để tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp như thế này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận – Đoàn Cà Mau, tranh luận.


     Tôi không có ý phân biệt công tư. Theo trả lời của Bộ trưởng về các lý do thì liệu có hợp lý nếu áp với ngành giáo dục? Vấn đề tôi muốn nói là khi có phòng mạch riêng thì các bác sĩ có tận tâm khi khám ở bệnh viện, có lôi kéo bệnh nhân về phòng mạch của mình hay không? Có ưu tiên trong các khâu điều trị đối với các bệnh nhân của phòng mạch riêng mình khi có các yêu cầu điều trị tại bệnh viện và liệu như vậy thì có công bằng đối với các bệnh nhân khác khi điều trị ở bệnh viện hay không?

Ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, trả lời.


     Đối với đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận, chúng tôi xin khẳng định lại là cho đến thời điểm hiện nay chúng ta chưa thấy việc giảm sút năng lực chuyên môn của người được cho phép làm trong cơ sở y tế công lập, người ta hành nghề y tế tư nhân. Tuy nhiên, vấn đề này Bộ Y tế cũng đã nhận ra và cũng đã có chỉ đạo và trước đây thì Bộ Y tế đã chỉ đạo đối với các địa phương là tăng cường kiểm tra, giám sát và có quy định giờ cụ thể để cho lực lượng đó làm, ví dụ như anh hành nghề ở các đơn vị này, anh chỉ đạt được trong quy định của pháp luật là 300 giờ, còn nếu anh làm nhiều quá, nó ảnh hưởng đến chất lượng chung thì không được. Những việc này thì báo cáo với đại biểu là chúng tôi cũng mong là đối với các địa phương cũng cùng chia sẻ đối với ngành y tế, đối với Bộ Y tế để làm sao chúng ta tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp tại các đơn vị công lập cũng như là tư nhân được tương xứng.

Thanh Sự