Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung có một số điểm mới sau:
1. Quy định tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính theo hướng linh hoạt. Theo đó, sửa quy định “Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” tại khoản 1, Điều 4 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 thành “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”.
Sửa đổi, bổ sung Điều 44, Điều 58. Theo đó, Chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương (có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân), trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương để phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý của từng đô thị. Hiện nay theo Nghị quyết số 97/NQ-QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thì đến 01/7/2021 ở Thành phổ Hà Nội sẽ không còn HĐND phường, chỉ có UBND phường.
Về tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Điều 75) do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó.
2. Sửa đổi, bổ sung các quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền tại các Điều 11, 12, 13, 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015. Theo đó đã bổ sung những quy định cụ thể hơn khi thực hiện phân quyền, phân cấp phải gắn với hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; phải bảo đảm các điều kiện cụ thể về ngân sách, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác cho các địa phương; quy định cụ thể hơn các chủ thể được thực hiện ủy quyền; trách nhiệm của các cơ quan khi thực hiện ủy quyền và các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền.
3. Giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND, Phó ban HĐND tỉnh và Phó Chủ tịch HĐND huyện, cụ thể:
Đối với HĐND tỉnh: Trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì có 01 Phó Chủ tịch HĐND; trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách thì có 02 Phó Chủ tịch HĐND. Tương tự, đối với các Phó ban HĐND thì trường hợp Trưởng ban hoạt động chuyên trách thì có 1 phó ban; trường hợp Trưởng ban hoạt động không chuyên trách thì có 02 phó ban.
Đối với HĐND cấp huyện: Giảm 01 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện (từ 02 người xuống còn 01 người).
4. Tăng số lượng phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn
Luật hiện hành quy định cấp xã, phường, thị trấn loại II có 01 Phó Chủ tịch, Luật sửa đổi, bổ sung quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch. Như vậy, Luật mới tăng thêm 01 phó Chủ tịch UBND đối với xã, phường, thị trấn loại 2.
5. Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về tổ chức và quyền hạn của Hội đồng nhân dân:
Luật bổ sung tiêu chuẩn về quốc tịch đối với đại biểu Hội đồng nhân dân, bổ sung quy định có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam (khoản 1 Điều 7).
Luật cũng quy định rõ khung số lượng đại biểu HĐND theo hướng giảm từ 10% đến 15% số lượng đại biểu HĐND ở từng loại hình đơn vị hành chính.
Luật bỏ quy định Chánh Văn phòng là ủy viên Thường trực của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Bổ sung Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp xã là Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã.
Bổ sung thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp xã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của cấp xã (do UBND cấp xã xây dựng) trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.
Đối với việc tổ chức kỳ họp HĐND, Luật sửa đổi, bổ sung quy định ngoài kỳ họp thường lệ, HĐND tổ chức kỳ họp “chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất”, chứ không gọi là kỳ họp “bất thường” như Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
Ngoài ra, Luật còn bổ sung quy định về trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân với cử tri, về tiếp xúc cử tri và thôi làm nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân; về tổ chức lại các đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn theo quy định; về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương…
Luật sửa đổi, bổ sung sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020. Riêng đối với quy định về số lượng đại biểu HĐND tại các đơn vị hành chính, cơ cấu Thường trực HĐND cấp tỉnh và cấp xã, số lượng Phó Chủ tịch HĐND và Phó Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện, Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II tiếp tục thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 cho đến khi bầu ra HĐND nhiệm kỳ 2021 – 2026./.
BBT