Ảnh: Hoạt động của Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát về tin tố giác tội phạm
KT-XH năm 2018 của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực, thực hiện đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu theo kế hoạch; ANCT ổn định, trật tự ATXH được giữ vững. Công tác sẵn sàng chiến đấu và phối hợp giữa 3 lực lượng Công an - quân sự - biên phòng tiếp tục được thực hiện theo kế hoạch, đạt nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, tỉnh Cà Mau không để xảy ra các vụ biểu tình, tụ tập động người chống đối trong thời gian QH họp và thảo luận các dự án Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt và Luật An ninh mạng. An ninh, chủ quyền vùng biển được giữ vững, chưa phát hiện dấu hiệu hoạt động xâm phạm ANQG, chủ quyền lãnh thổ. Công tác tuyên truyền và xử lý các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài được đẩy mạnh…. Kết quả đó góp phần quan trọng vào sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần được quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt hơn trong thời gian tới:
1. Tình hình trật tự ATXH và VPPL trên biển từng lúc, từng nơi còn diễn biến khá phức tạp. Số vụ tai nạn trên biển gây chết người và thiệt hại tài sản xảy ra còn nhiều. Đã xảy ra 56 vụ tai nạn trên biển làm chết 22 người, mất tích 12 người, bị thương 02 người, chìm và hỏng 14 tàu cá, 04 xà lan và sập 03 hàng đáy, tổng thiệt hại khoảng 6,5 tỷ đồng. Tình trạng tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ tăng so cùng kỳ. Đến nay Đoàn kiểm tra của Ủy ban Châu Âu (EC) chưa thống nhất việc rút thẻ vàng cảnh cáo hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam và đưa ra điều kiện không phát triển đóng mới tàu khai thác trong thời gian tới. Từ đầu năm 2018 UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo việc ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Nhiều biện pháp kiên quyết đã được áp dụng như: kiểm soát chặt chẽ hơn việc ra vào của các tàu cá; triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; buộc chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết đánh bắt không vi phạm vùng biển nước ngoài; xử lý nghiêm khắc hơn các vi phạm... để thực hiện các khuyến nghị của EC.
Tuy nhiên, đến nay sự chuyển biến đó chưa nhiều. Sau khi kiểm tra thực địa, Đoàn thanh tra EC cho rằng tình hình thực hiện chống thủy sản đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý (IUU) của Việt Nam chưa được cải thiện đáng kể. Việc cấp chứng nhận, xác nhận sản phẩm thủy sản khai thác còn sai sót; hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp; mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm còn thấp, chưa tạo được sự răn đe, chưa tương đồng với một số nước trong khu vực và quốc tế. EC gia hạn thêm thời gian đến tháng 01/2019 để Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp. Thực tế đó đã và đang gây khó khăn và bất lợi cho khai thác hải sản của cả nước nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng.
2. Tình trạng xả rác thải và ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát hiệu quả ở nhiều khu vực, địa bàn trong tỉnh. Đặc biệt, từ đầu năm 2018 Nhà máy xử lý rác phải tạm ngưng hoạt động, gây bất lợi và khó khăn rất lớn cho công tác thu gom, xử lý rác của các địa phương trong tỉnh. Đây là thực trạng của năm 2018 và những năm trước đó, cần được nhìn nhận, đánh giá khách quan, đầy đủ hơn.
Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo và một số giải pháp đã và đang được triển khai như: khảo sát, thống kê các cơ sở chế biến thủy sản không có hệ thống xử lý nước thải, buộc các cơ sở này cam kết đến cuối năm 2018 phải có hệ thống xử lý triệt để chất thải, mùi hôi; không cho xây dựng thêm các nhà máy, xí nghiệp nằm ngoài quy hoạch KCN, CCN; tiến hành kiểm tra đột xuất, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm, thậm chí đình chỉ hoạt động các cơ sở không chấp hành, cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng... Quy định các doanh nghiệp đến cuối tháng 6/2018 phải lắp đặt hệ thống camera giám sát và điện kế điện tử tại khu vực xử lý nước thải và truyền số liệu, dữ liệu trực tiếp về Sở TN-MT; việc lập bãi rác tập trung ở các huyện cũng được tính đến. Tuy nhiên, tình hình chưa được cải thiện nhiều, cuộc sống sinh hoạt của người dân ở những khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng; cử tri trong tỉnh đang rất bức xúc.
3. Công tác phòng chống cháy nổ và an toàn trong sử dụng điện tiếp tục được cử tri quan tâm, song số vụ việc xảy ra và vi phạm ở lĩnh vực này còn nhiều. Năm 2018 đã xảy ra 41 vụ cháy làm chết 03 người, bị thương 04 người (so cùng kỳ tăng 13 vụ, tăng 03 người chết và tăng 04 người bị thương); sự cố về điện xảy ra 33 vụ. Năm 2017 tỉnh Cà Mau xảy ra 33 vụ cháy thì có đến 26 vụ do sự cố về điện, năm 2018 sự cố chập điện cũng là nguyên nhân của 8/15 vụ cháy. Tình trạng sử dụng điện chia hơi ở khu vực nông thôn còn diễn ra phức tạp; việc sử dụng, kéo điện sinh hoạt để phục vụ sản xuất nuôi tôm diễn ra khó kiểm soát, rất dễ gây tai nạn về điện nhưng giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn chưa hiệu quả; ý thức của người dân còn chủ quan dù đã được cảnh báo, khuyến cáo liên tục. Ở các khu dân cư hệ thống điện sinh hoạt của nhiều gia đình cũng chưa đảm bảo an toàn. Tại các chợ tuy đã được tăng cường quản lý, kiểm soát nhưng nhìn chung các hộ kinh doanh vẫn chưa ý thức cao trong việc truyền tải, sử dụng điện; phần lớn các vụ cháy chợ, cháy nhà dân đã qua là do nguyên nhân chập điện, sử dụng điện không an toàn… Bên cạnh đó, hiện tượng đốt nhang cúng vái, đốt vàng mã của các hộ kinh doanh cũng là nguy cơ. Mặc dù tỉnh đã tập trung chỉ đạo và thực hiện nhiều giải pháp phòng chống song số vụ cháy, nổ xảy ra trong năm vẫn chưa giảm. Công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm từng lúc chưa kịp thời và chưa hiệu quả.
Từ thực trạng nêu trên, tại Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh kiến nghị đến UBND tỉnh một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân về các quy định pháp luật, kể cả các quy định, các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về thực hiện chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý (IUU). Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Nghị định số 17/2018/NĐ-CP. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Việc UBND tỉnh chủ trương và chỉ đạo lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá khai thác xa bờ bước đầu cho thấy rất có hiệu quả, giúp các cơ quan, đơn vị và chính các tàu khai thác biển chủ động, kiểm soát được hành trình; các tàu cá cũng có thể tiếp ứng, hỗ trợ nhau khi cần thiết. Ban Pháp chế rất đồng tình với chủ trương và giải pháp này, tuy hiên số tàu được lắp đặt bước đầu còn rất khiêm tốn. Đề nghị UBND tỉnh và các ngành hữu quan cần đẩy mạnh triển khai đồng bộ và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân để tạo sự đồng thuận cao và thực hiện có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Thứ hai, tăng cường năng lực quản lý của chính quyền các cấp và nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong chỉ đạo, thực hiện các quy định của pháp luật trong vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường. UBND tỉnh sớm có giải pháp để duy trì hoạt động của nhà máy xử lý rác. Huy động các nguồn lực xã hội để triển khai đồng bộ các giải pháp để kiểm soát có hiệu quả tình trạng ô nhiễm. Kiên quyết xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác BVMT nếu chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm được giao. Mặt khác, để đảm bảo phát triển ổn định, bền vững, UBND tỉnh cần tập trung chỉ đạo thực hiện đúng các quy định về điều kiện nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy chuẩn về xử lý chất thải, nước thải trong nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh; triển khai phổ biến, hướng dẫn kịp thời cho các hộ dân. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, phát hiện và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm.
Thứ ba, tiếp tục nâng cao năng lực hiệu quả QLNN về phòng, chống cháy, nổ và an toàn trong sự dụng điện; xác định rõ trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị, địa phương; xây dựng phong trào và động viên toàn dân hưởng ứng, tham gia tốt các công tác này; đặc biệt chú trọng việc phòng ngừa, đảm bảo an toàn không để sự cố, tai nạn xảy ra. Đẩy mạnh PBGDPL song hành với việc thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm. Thường xuyên củng cố và xây dựng lực lượng chữa cháy tại chỗ, trong huấn luyện phải cụ thể, gắn tình hình thực tế với những giải pháp chủ yếu về phòng ngừa./.
NSC