Từ kết quả giám sát cho thấy, việc tổ chức triển khai và thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh đã được các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện, đạt nhiều kết quả. Việc sắp xếp, bố trí cán bộ không chuyên trách (kể cả ở cấp xã và ấp, khóm) được thực hiện đúng theo quy định của Nghị quyết 25/2019/NQ-HĐND.
Tỉnh Cà Mau có 101 xã, phường, thị trấn và 949 ấp, khóm. Thực hiện Nghị quyết 25/2019/NQ-HĐND cán bộ không chuyên trách cấp xã được bố trí 1.384 người và ấp, khóm được bố trí 2.847 người. Theo báo cáo của các đơn vị, đến thời điểm giám sát đã sắp xếp, bố trí 1.332 người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ấp, khóm 2.661 người. Sau khi sắp xếp tổng số dôi dư là 6.855 người. UBND tỉnh đã chi hơn 39 tỷ đồng hỗ trợ một lần cho các đối tượng dôi dư sau sắp xếp. Phần lớn người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ấp, khóm trong tỉnh đồng thuận với việc HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 25/2019/NQ-HĐND; việc bố trí các chức danh cơ bản phù hợp với quy định và yêu cầu công việc. Sau khi sắp xếp bước đầu có những khó khăn nhất định, song tổ chức, hoạt động của cấp xã và ấp, khóm đã sớm đi vào ổn định, đảm bảo góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế – xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết cũng còn một số khó khăn, hạn chế:
- Công tác triển khai, quán triệt Nghị quyết 25/2019/NQ-HĐND và Nghị quyết 26/2019/NQ-HĐND kết quả có mặt chưa cao.
Thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết khá ngắn (Nghị quyết ban hành ngày 06/12/2019, đến ngày 01/01/2020 thực hiện) trong khi thiếu các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, dẫn đến lúng túng. Khi tiếp nhận thông tin của các địa phương, các cơ quan tham mưu chậm xử lý, phản hồi, báo cáo để có hướng giải quyết. UBND cấp huyện từng lúc chưa có sự chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ, chưa nắm đầy đủ tình hình của địa phương để kịp thời chỉ đạo, khắc phục những hạn chế, khó khăn. Việc quán triệt, nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đầy đủ, hiểu và thực hiện chưa đúng tinh thần của Nghị quyết.
Việc tuyên truyền, phổ biên, quán triệt đến ấp, khóm và nhân dân nhận thức đúng và đủ những nội dung cơ bản của Nghị quyết 25/2019/NQ-HĐND và Nghị quyết 26/2019/NQ-HĐND còn hạn chế. Từ đó, có trường hợp hiểu và nhận định không đúng về các nghị quyết của HĐND tỉnh. Thường trực, các Ban và đại biểu HĐND cấp huyện, xã nhiều nơi chưa phát huy tốt chức năng giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh; chưa kịp thời phát hiện những khó khăn, bất cập để kiến nghị xử lý, giải quyết theo quy định.
- Việc bố trí số lượng, chức danh cán bộ không chuyên trách cấp xã có nơi thực hiện chưa đảm bảo quy định.
Theo số liệu báo cáo, toàn tỉnh sắp xếp các chức danh còn thiếu so với số lượng theo quy định là 288 người. Đến thời điểm giám sát, các địa phương chưa kịp thời củng cố, kiện toàn các chức danh để đảm bảo hoạt động. Hầu hết các nơi trong tỉnh đều bố trí tăng thêm 01 Phó Chỉ huy trưởng quân sự ở cấp xã và hưởng mức phụ cấp là 1,45 mức lương cơ sở là chưa đúng với quy định của Nghị quyết 25/2019/NQ-HĐND. Một số đơn vị, địa phương bố trí người hoạt động không chuyên trách cấp xã kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm (như kiêm Bí thư Chi bộ) là vượt ngoài quy định của Nghị quyết 25/2019/NQ-HĐND.
- Hoạt động của ấp, khóm từng lúc, từng nơi chưa đi vào nề nếp, chưa bám sát nhiệm vụ được quy định.
Mục tiêu, tinh thần và nội dung của Nghị quyết 25/2019/NQ-HĐND nhằm thực hiện việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và đổi mới cách thức hoạt động của chính quyền cơ sở đảm bảo theo chủ trương của Đảng, Nhà nước trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, nhiều nơi hoạt động của ấp, khóm chưa có sự thay đổi về cách thức để đảm bảo yêu cầu của chủ trương đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy. Từng lúc từng nơi cán bộ không chuyên trách ở ấp, khóm chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình; chưa chủ động đề ra chương trình, kế hoạch hoạt động và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nên khi thực hiện các công việc gặp nhiều lúng túng, bị động khi huy động người tham gia. Bên cạnh đó, nhiều ấp, khóm chưa hiểu rõ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn theo quy chế (ban hành kèm theo Quyết định số 22/2018/QĐ-UBND và Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh), dẫn đến “ôm đồm” công việc (thực hiện các nhiệm vụ của UBND cấp xã khi được giao).
Qua giám sát cũng cho thấy các địa phương thực hiện nhiệm vụ từng lúc chưa bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định; chưa có sự phân định rõ ràng về nhiệm vụ của cấp xã và ấp, khóm nên UBND cấp xã từng lúc chưa xác định rõ phạm vi, trách nhiệm của mình trong quản lý hành chính nhà nước và nhiệm vụ tự quản của ấp, khóm; xem ấp, khóm như một cấp trực thuộc nên phân giao trực tiếp thực hiện nhiều việc, mà những việc này là nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã, còn ấp, khóm chỉ có vai trò phối hợp, hỗ trợ. Từ đó, một số ấp, khóm bức xúc, phản ánh công việc “quá tải” trong khi chế độ phụ cấp chưa tương xứng với công việc được giao.
- Kinh phí chi cho người hoạt động không chuyên trách và chi bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia công việc của ấp, khóm chưa đảm bảo.
Kinh phí được phân bổ cho cấp xã theo tiêu chuẩn, định mức được quy định tại Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐND, của HĐND tỉnh. Năm 2020 HĐND tỉnh quyết định bổ sung thêm cho các tổ chức chính trị – xã hội của xã 50 triệu đồng/năm để tạo nguồn chi hoạt động của đoàn thể ở ấp, khóm khi tham gia công việc của ấp, khóm. Qua giám sát cho thấy việc quản lý, sử dụng kinh phí ở nhiều đơn vị cấp xã chưa chặt chẽ, chưa đúng theo quy định. Một số đơn vị cấp xã chưa nắm được nguồn kinh phí được giao bổ sung năm 2020, cụ thể về khoản bổ sung 50 triệu đồng/năm cho các tổ chức chính trị – xã hội cấp xã, hầu hết các nơi chưa phân khai tăng thêm cho các đoàn thể. Việc hướng dẫn của Phòng Tài chính – Kế hoạch của một số nơi chưa đầy đủ, rõ ràng (như về hướng dẫn UBND cấp xã phân khai nguồn kinh phí bổ sung năm 2020 cho tổ chức chính trị – xã hội; về thủ tục, chứng từ chi bồi dưỡng, thanh quyết toán...); chưa chủ động kiểm tra để kịp thời xử lý, khắc phục những hạn chế, thiếu sót.
Việc thực hiện chi bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia công việc của ấp, khóm ở nhiều nơi thực hiện chưa đúng quy định của Nghị quyết 25/2019/NQ-HĐND. Một số nơi UBND cấp xã giao kinh phí cho ấp để chi theo hình thức khoán (kể cả nguồn 50 triệu/năm như nêu trên và nguồn từ 1.5 hệ số lương cơ sở được giao cao hơn so với phụ cấp 03 chức danh của ấp, khóm). Hầu hết đều chi theo hình thức khoán, tùy mỗi nơi chi từ 200.000 đến 800.000 đồng/người/tháng (cho Trưởng các tổ chức đoàn thể, Phó Bí thư, Phó Trưởng ấp, Ấp đội trưởng, Công an viên...), dẫn đến so bì, thắc mắc và hiểu không đúng, cho rằng cùng một chức danh nhưng mỗi nơi hưởng nhiều, ít khác nhau... có nơi chỉ đạo ấp, khóm chi khoán từ nguồn kinh phí hoạt động của ấp, khóm 2.500.000 đồng/tháng. Có tình trạng lập chứng từ, danh sách chi bồi dưỡng lại ghi là “thuê mướn”, gây hiểu lầm, làm ảnh hưởng không tốt đến hoạt động và hiểu sai về Nghị quyết 25/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
- Thực hiện Nghị quyết 26/2019/NQ-HĐND: Việc chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn của cơ quan tham mưu chưa kịp thời và đầy đủ; thiếu hướng dẫn về quy trình, hồ sơ, thủ tục, cũng như chưa hướng dẫn rõ hơn về đối tượng thụ hưởng... dẫn đến lúng túng trong thực hiện. Qua giám sát cho thấy, một số nơi nhận thức chưa rõ dẫn đến việc lập danh sách chưa đầy đủ, còn có sai sót, chưa đúng đối tượng. Một số chức danh Bí thư, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Trưởng ban nhân dân ấp, khóm vào thời điểm sắp xếp tự nguyện nghỉ hoặc được cho nghỉ nhưng chưa được hưởng chính sách theo Nghị quyết 26/2019/NQ-HĐND, vì cho rằng 03 chức danh này theo Nghị quyết 25/2019/NQ-HĐND vẫn còn là người hoạt động không chuyên trách của ấp, khóm nên không thuộc đối tượng hưởng. Ngược lại, một số người giữ chức danh kiêm nhiệm, khi sắp xếp không kiêm nữa lại được hưởng dôi dư theo Nghị quyết 26/2019/NQ-HĐND dẫn đến nhiều thắc mắc. Bên cạnh đó, còn một số trường hợp thuộc đối tượng hưởng dôi dư theo Nghị quyết 26/2019/NQ-HĐND nhưng do bị thất lạc quyết định công nhận, phân công giữ các chức danh... dẫn đến họ chưa được hưởng hỗ trợ theo quy định. Việc tổng hợp, thẩm định hồ sơ còn có sai sót khi xác định thời gian công tác để xem xét, giải quyết chế độ hỗ trợ...
Những tồn tại hạn chế như nêu trên đã được Đoàn giám sát và Thường trực HĐND tỉnh chỉ ra trong Báo cáo kết quả giám sát và Kết luận của Thường trực HĐND tỉnh về vấn đề này. Đồng thời mong muốn các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, nghiên cứu nắm vững các quy định của Nghị quyết 25/2019/NQ-HĐND, Nghị quyết 26/2019/NQ-HĐND và các quy định có liên quan để thực hiện đúng, đủ và đát kết quả cao nhất.
NSC