Tuy nhiên, từ thực tế công tác thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh; quá trình xem xét, thông qua các dự thảo nghị quyết tại các kỳ họp và qua công tác tự kiểm tra văn bản QPPL do HĐND tỉnh Cà Mau ban hành thời gian qua, nhận thấy còn một số khó khăn, hạn chế cần được UBND tỉnh và các sở, ngành cấp tỉnh quan tâm xem xét chấn chỉnh, khắc phục. Dưới đây người viết xin đề cập một vấn đề liên quan đến quá trình lập hồ sơ dự thảo nghị quyết để trình HĐND tỉnh thông qua, cụ thể như sau:


     Thứ nhất, trong các kỳ họp HĐND tỉnh Cà Mau tổ chức thời gian qua nổi lên một vấn đề, đó là tiến độ thực hiện lập hồ sơ và tổ chức soạn thảo một số nghị quyết trình HĐND tỉnh ban hành tại các kỳ họp còn chậm, có hồ sơ văn bản gửi đến HĐND tỉnh chưa đảm bảo về mặt thời gian theo quy định; chất lượng một số văn bản và dự thảo nghị quyết chưa cao. Nguyên nhân một phần do khối lượng công việc nhiều, đội ngũ cán bộ tham mưu còn mỏng, năng lực chuyên môn trong lĩnh vực công tác văn bản còn hạn chế. Mặt khác, một số cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì soạn thảo nghị quyết chưa chủ động cập nhật, nghiên cứu, nắm bắt nội dung của các văn bản nguồn, chưa theo sát tình hình thực tế, nghiên cứu văn bản chưa đầy đủ, chưa sâu... dẫn đến có một số dự thảo nghị quyết nội dung chưa được thể hiện đầy đủ, chưa phù hợp nên phải tạm dừng thông qua gây ra những khó khăn nhất định và sự lãng phí không cần thiết.


     Thứ hai, việc thiết lập hồ sơ một số dự thảo nghị quyết đã qua còn thiếu chặt chẽ, chưa thật hợp lý và khoa học. Thực tiễn qua công tác giám sát, thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh cho thấy, một số tờ trình nội dung còn sơ sài, thiếu nhiều thông tin quan trọng mang tính bổ trợ nhằm phân tích làm rõ quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết; chưa làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo… nên có trường hợp phải ban hành kèm theo Bản thuyết minh về dự thảo nghị quyết. Một số tờ trình khác lại quá dài nhưng nội dung cũng chưa được thể hiện rõ; đưa vào tờ trình một số nội dung không cần thiết, như: đưa toàn văn dự thảo nghị quyết vào tờ trình làm cho nội dung tờ trình dài dòng, rời rạc nhưng lại thiếu nội dung trọng tâm.
 

     Thứ ba, các tài liệu kèm theo tờ trình và dự thảo nghị quyết (nhất là các bảng, biểu, danh mục các công trình, dự án…) một số trường hợp chưa được sắp xếp hợp lý, làm cho việc nhiên cứu, cập nhật thêm khó khăn, dư thừa, gây lãng phí; có tài liệu sử dụng font chữ quá nhỏ, chưa đúng quy định, khiến cho đại biểu HĐND rất khó khăn khi nghiên cứu, sử dụng. Ngoài ra, về văn phong, thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản tại một số tờ trình và dự thảo nghị quyết chưa đảm bảo tính chặt chẽ, logic.


      thực trạng nêu trên, để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng ban hành các nghị quyết của nói chung và văn bản QPPL nói riêng, Ban Pháp chế HĐND tỉnh Cà Mau đã có văn bản kiến nghị đến Chủ tịch UBND tỉnh xung quanh vấn đề này với mong muốn góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục hạn chế để việc lập hồ sơ để trình thông qua các nghị quyết của HĐND tỉnh trong thời gian tới đạt kết quả cao nhất. Xin nêu một số đề xuất, kiến nghị cụ thể như sau:


     Một là, đối với dự thảo nghị quyết là văn bản QPPL, việc lập hồ sơ để trình thông qua các nghị quyết của HĐND tỉnh phải tuân theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015, tại các Điều 114 (Hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết), Điều 122 (Hồ sơ dự thảo nghị quyết trình UBND cấp tỉnh); Điều 124 (Thẩm tra dự thảo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh) và tại Điều 125 (Hồ sơ dự thảo nghị quyết trình HĐND cấp tỉnh). Theo đó,
     - Khi đề nghị xây dựng nghị quyết thì: Tờ trình đề nghị xây dựng nghị quyết phải nêu rõ sự cần thiết ban hành nghị quyết; mục đích, quan điểm xây dựng nghị quyết; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của nghị quyết; mục tiêu, nội dung chính sách trong dự thảo nghị quyết và các giải pháp để thực hiện chính sách đã được lựa chọn; thời gian dự kiến đề nghị HĐND xem xét, thông qua; dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành nghị quyết khi được ban hành (khoản 1, Điều 114).
     - Khi gửi dự thảo nghị quyết đến các Ban của HĐND tỉnh để thẩm tra (theo quy định tại khoản 2, Điều 124) thì thành phần hồ sơ bao gồm: Tờ trình HĐND tỉnh về dự thảo nghị quyết; Bản dự thảo nghị quyết; Báo cáo thẩm định và báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định đối với dự thảo nghị quyết do UBND trình; Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bản chụp ý kiến góp ý; Tài liệu khác (nếu có). Đối với dự thảo do các Ban của HĐND tỉnh hoặc Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trình HĐND tỉnh, thì phải có ý kiến của UBND tỉnh và Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến (của UBND tỉnh) của các Ban HĐND tỉnh hoặc Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. 
     Điểm lưu ý là: tài liệu quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 124  được gửi bằng bản giấy, tài liệu còn lại được gửi bằng bản điện tử.
     Riêng đối với tờ trình của UBND tỉnh về dự thảo nghị quyết cần được trình bày rõ ràng, đầy đủ, súc tích về sự cần thiết và căn cứ pháp lý ban hành văn bản; về đối tượng và phạm vi áp dụng của văn bản; về cơ cấu, bố cục của dự thảo nghị quyết; về nội dung của dự thảo nghị quyết (trong đó nêu khái quát những nội dung chủ yếu, những điểm mới, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo và của UBND tỉnh về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau đó…); kết quả thảo luận và biểu quyết thông qua các thành viên UBND tỉnh đối với dự thảo nghị quyết; danh mục những tài liệu kèm theo.
     - Khi gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết để HĐND tỉnh thông qua (theo quy định tại Điều 125) thì Thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ đạo việc chuẩn bị. Hồ sơ dự thảo nghị quyết bao gồm: Tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 124 của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015; Báo cáo thẩm tra của các Ban của HĐND tỉnh; Ý kiến của UBND tỉnh đối với dự thảo nghị quyết do cơ quan, tổ chức khác trình và tài liệu khác (nếu có). 
Điểm lưu ý là: tài liệu quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 124 của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 được gửi bằng bản giấy, tài liệu còn lại được gửi bằng bản điện tử. Hồ sơ dự thảo nghị quyết phải được gửi đến các đại biểu HĐND chậm nhất là 07 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND. 

     Hai là, UBND tỉnh và các sở, ngành tỉnh tiếp tục quan tâm đổi mới cách thức lập hồ sơ để trình HĐND tỉnh thông qua dự thảo nghị quyết, nhất là các tài liệu kèm theo tờ trình và dự thảo nghị quyết, cần được nghiên cứu, xây dựng, bố trí sắp xếp hợp lý, tránh để dư thừa, gây lãng phí; các danh mục kèm theo văn bản cần được sử dụng font chữ phù hợp, bảo đảm đúng quy định và giúp cho người đọc có thể dễ dàng khi tiếp cận, nghiên cứu, sử dụng. Trong quá trình soạn thảo văn bản cần hết sức chú ý về văn phong, thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản của dự thảo nghị quyết bảo đảm chặt chẽ, logic.

     Ba là, đối với nghị quyết cá biệt, việc lập hồ sơ để trình HĐND tỉnh thông qua về cơ bản cũng theo quy trình, thủ tục như đối với văn bản QPPL như nêu trên. Tuy nhiên các bước thực hiện soạn thảo văn bản và lập hồ sơ đơn giản hơn nhiều. Trong đó, cơ quan chủ trì soạn thảo không thực hiện việc lập hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết; không có nội dung đánh giá tác động của chính sách đối với nội dung dự thảo nghị quyết. Sở Tư pháp không thẩm định, nhưng có ý đóng góp dự thảo nghị quyết bằng văn bản theo yêu cầu của cơ quan chủ trì soạn thảo.

     Thực hiện tốt và có hiệu quả các nội dung và yêu cầu như nêu trên là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh Cà Mau trong thời gian tới./.

Nguyễn Sơn Ca