Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 tại Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh


   Ước tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP giá so sánh) 6 tháng tăng 8,61% (cùng kỳ tăng 4,17%), đứng thứ 2 khu vực đồng bằng sông Cửu Long và thứ 5 cả nước. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 321.000 tấn, bằng 50,2% kế hoạch, tăng 2,5% so cùng kỳ; trong đó sản lượng tôm ước đạt 126.300 tấn, tăng 6,8% so cùng kỳ; tổng sản lượng lúa đạt 393.841 tấn, tăng 3,5% so cùng kỳ. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện, 6 tháng đầu năm đã công nhận 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân); lũy kế toàn tỉnh có 55/82 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 67,1%. 
   Hoạt động sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ (tăng 17%). Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 8,3% so cùng kỳ. Tình hình cung cầu các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 43.800 tỷ đồng, tăng 13,4% so cùng kỳ. Tình hình xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình trạng lạm phát, suy giảm tăng trưởng, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước, đối tác lớn. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 565 triệu USD, bằng 43,5% kế hoạch, giảm 22,9% so cùng kỳ.
   Các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện như: cầu Sông Đốc, trục Đông - Tây, cầu Gành Hào, tuyến đường Cà Mau - Đầm Dơi, Cái Nước - Vàm Đình - Cái Đôi Vàm, U Minh - Khánh Hội,... Đối với các công trình giao thông quan trọng quốc gia trên địa bàn (Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc phía Đông, đoạn Hậu Giang - Cà Mau và Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Cà Mau. Công tác xây dựng giao thông nông thôn được quan tâm chỉ đạo, nhân dân đồng thuận; từ đầu năm đến nay thực hiện được 220 km đường bê tông, tăng 129 km so cùng kỳ, vượt 10% kế hoạch; tổng giá trị thực hiện hơn 213 tỷ đồng. 
   Thu ngân sách nhà nước đạt 2.625 tỷ đồng, tăng 4,7% so cùng kỳ; chi ngân sách đạt 5.227 tỷ đồng, tăng 3,8% so cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 11.300 tỷ đồng, tăng 11,1% so cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 1.753,4 tỷ đồng, bằng 36,4% kế hoạch, cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước (28,2%) và cùng kỳ, cả về giá trị và tỷ lệ. Có 263 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 1.189 tỷ đồng, bình quân vốn đăng ký 4,5 tỷ đồng/doanh nghiệp. Thu hút 03 dự án đầu tư mới, với tổng số vốn đăng ký 228,7 tỷ đồng.  

 

Trong 6 tháng đầu năm sản lượng tôm ước đạt 126.300 tấn, tăng 6,8% so cùng kỳ (Ảnh: người dân thu hoạch tôm tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình)


   Hệ thống trường học được sắp xếp ổn định, tinh gọn. Cơ sở vật chất trường học, thiết bị dạy học được trang bị cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học theo lộ trình. Trong 6 tháng đầu năm, có 14 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia; lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 358 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 71,7%. Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
   Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, chủ động phòng, chống hiệu quả các dịch bệnh khác, không để dịch lớn xảy ra và bảo đảm nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho người dân. Hệ thống các thiết chế văn hóa, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đã có những hoạt động tích cực, thu hút được sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân. Hoạt động thể dục, thể thao phong trào trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì. Hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc. Tổng khách du lịch đạt trên 1,16 triệu lượt khách, tăng 36,2% so cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch đạt 1.520 tỷ đồng, tăng 33% so cùng kỳ; bằng 77% kế hoạch.
   Công tác thông tin tuyên truyền, hoạt động báo chí, xuất bản đúng tôn chỉ, mục đích, bám sát các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh. Tiếp tục tập trung thực hiện Đề án chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả. Công tác tuyển sinh, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động tăng so cùng kỳ. Đã đào tạo nghề cho 7.000 lao động, tăng 1,4% so cùng kỳ; giải quyết việc làm cho 25.200 lao động, tăng 0,5% so cùng kỳ. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ trẻ em, vì sự tiến bộ của phụ nữ, bình đẳng giới. Vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đạt 7,5 tỷ đồng tăng 2,2% so cùng kỳ.
   Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh ổn định. Công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội được thực hiện khá tốt. Việc rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được triển khai tích cực, hiệu quả. Cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh. Các chỉ số về cải cách hành chính tăng so với cùng kỳ: Chỉ số hài lòng xếp hạng 3, tăng 18 bậc; Chỉ số CCHC xếp hạng 30, tăng 16 bậc; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp thứ 35, tăng 4 bậc.
   Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng khá cao nhưng chưa bền vững, phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng của cụm công nghiệp khí - điện - đạm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của người dân, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thị trường, chi phí đầu vào (nguyên vật liệu, lao động, tiếp cận vốn…). Việc nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả còn chậm; kinh tế hợp tác chưa phát triển mạnh; số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác hình thành mới còn thấp. Giá tôm giảm mạnh trong khi giá cả một số vật tư nông nghiệp, thức ăn tăng, gây khó khăn cho người nuôi tôm. Nhiều dự án điện gió đã hoàn thành nhưng chưa được vận hành thương mại, gây khó khăn cho nhà đầu tư và ảnh hưởng đến tăng trưởng khu vực công nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu đạt thấp so kế hoạch, giảm 22,9% so cùng kỳ, hàng tồn kho tại các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản còn nhiều.
   Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa như mong đợi. Doanh nghiệp thành lập mới giảm 19% về số lượng doanh nghiệp và giảm 5,9 lần số vốn đăng ký so với cùng kỳ, trong khi số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động tăng; thu hút dự án đầu tư thấp hơn so cùng kỳ. Theo kết quả công bố của VCCI, Chỉ số PCI tỉnh Cà Mau năm 2022 xếp hạng 58/63 tỉnh, thành trong cả nước, giảm 26 bậc so với năm 2021. 
Công tác xây dựng nông thôn mới vẫn còn một số hạn chế; vai trò chủ thể, trung tâm của người dân trong xây dựng nông thôn mới chưa thật sự được phát huy. Sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đa số có quy mô sản xuất nhỏ, theo mùa vụ, chưa đa dạng về chủng loại, chưa chủ động đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.

   Giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao hơn so cùng kỳ, nhưng vẫn còn chậm so kế hoạch (chỉ đạt 36,4%); tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư quan trọng (cả đầu tư công và đầu tư tư) còn chậm.

   Công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tế đời sống còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một số đơn vị, trường học thiếu giáo viên nên ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục; công tác đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia còn gặp khó khăn. Công tác đào tạo nghề đạt thấp so kế hoạch; hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng so với nhu cầu đào tạo nghề. Các bệnh truyền nhiễm tăng cao so với cùng kỳ; cơ sở hạ tầng, máy móc trang thiết bị y tế xuống cấp. Ô nhiễm môi trường, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải và nước thải sinh hoạt vẫn chưa được khắc phục; ý thức về bảo vệ môi trường vẫn chưa thành thói quen, nếp sống của nhân dân. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn chậm so với kế hoạch, một số văn bản chưa đạt yêu cầu nên không được cấp thẩm quyền thông qua. Tình hình an ninh, trật tự, tệ nạn xã hội một số nơi còn diễn biến phức tạp.

   Theo đánh giá của UBND tỉnh, những khó khăn, hạn chế nêu trên là do ảnh hưởng của những nguyên nhân: xung đột chính trị, cạnh tranh thương mại giữa các nước diễn biến phức tạp dẫn đến suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, sức tiêu thụ giảm, các nhà phân phối hạn chế nhập khẩu dẫn đến các đơn hàng sụt giảm; các doanh nghiệp giảm quy mô sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

   Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Một số cơ chế, chính sách còn chồng chéo, chưa đồng bộ, nhất là các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường…; Nguồn lực đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế.

   Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện tốt việc nghiên cứu, cập nhật kịp thời những chủ trương, chính sách, quy định mới của Trung ương, của tỉnh; chưa chủ động tham mưu và thực hiện các nội dung thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; việc giải quyết một số tình huống phát sinh trong hoạt động quản lý còn thiếu linh hoạt, chưa kịp thời, còn trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp trên. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, lĩnh vực có lúc chưa chặt chẽ; nhiều trường hợp mang tính hình thức, đối phó hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan chủ trì.

   Trong 6 tháng cuối năm 2023, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo Nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh; chủ động chuẩn bị các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; Chủ động đề ra giải pháp cụ thể hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp; đẩy mạnh nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; Chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất.; Triển khai quyết liệt công tác thu ngân sách và các giải pháp chống thất thu ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023; thực hiện nghiêm công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh; thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 chương trình mục tiêu quốc gia.

   Phát huy hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa, phục vụ đời sống tinh thần của người dân. Tập trung xây dựng nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau và các đề án gắn với nhiệm vụ phát triển văn hóa, thể thao và du lịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch; tổ chức các hoạt động trong Chương trình sự kiện “Cà Mau - Điểm đến” năm 2023, trọng tâm là Festival tôm lần 1 kết hợp Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP đồng bằng sông Cửu Long và Chương trình xúc tiến du lịch 2023 nhằm kích cầu du lịch.  Chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên người, các bệnh đầu mùa mưa...; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Triển khai kế hoạch hoạt động hè, thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 và chương trình giáo dục phổ thông mới. Thực hiện tích cực, hiệu quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm, công tác giảm nghèo bền vững, các chính sách đền ơn đáp nghĩa, các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

   Đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp làm giảm tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, chủ động phòng, chống cháy, nổ. Tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện năm 2023 (Đầm Dơi, Cái Nước, Ngọc Hiển) đạt yêu cầu và đúng ý định diễn tập. Nâng cao chất lượng rà soát văn bản quy phạm pháp luật và kịp thời ban hành văn bản, sửa đổi, bổ sung, thay thế đảm bảo công tác quản lý, chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Khả Ái