Đại biểu Nguyễn Quốc Hận phát biểu thảo luận


Cần đầu tư hạ tầng đồng bộ gắn với định hướng sáp nhập đơn vị hành chính
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận bày tỏ sự đồng thuận cao với các chủ trương đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, điều chỉnh chủ trương đầu tư cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và đề án thí điểm Viện Kiểm sát Nhân dân khởi kiện dân sự để bảo vệ nhóm yếu thế. Đặc biệt, tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku sẽ có vai trò quan trọng trong việc kết nối các tỉnh miền núi và duyên hải miền Trung trong bối cảnh sáp nhập các đơn vị hành chính. Đây không chỉ là đòn bẩy phát triển kinh tế vùng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức công tác, chăm sóc gia đình và nâng cao hiệu quả điều hành sau sáp nhập.


Mục tiêu tăng trưởng 8% còn nhiều thách thức
Đại biểu nhận định việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025 là rất quyết liệt, song để đạt được yêu cầu này là không dễ. Các động lực tăng trưởng hiện nay còn chưa thực sự bền vững. Kinh tế tư nhân – khu vực đóng vai trò ngày càng quan trọng – vẫn chưa tạo được đột phá do vướng thể chế, thủ tục hành chính chưa thực sự thông thoáng.
Sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn; xuất khẩu hàng hóa tăng chậm do tác động từ chiến tranh thương mại và chính sách thuế của các nước lớn. Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp vẫn là điểm nghẽn kéo dài. Đại biểu cảnh báo rằng quá trình sáp nhập đơn vị hành chính sắp tới có thể khiến tiến độ giải ngân tiếp tục chậm do phải điều chỉnh tên dự án, cơ quan chủ quản, và các thủ tục pháp lý kèm theo.


Khẩn trương phân bổ ngân sách và kịp thời sửa đổi luật
Theo báo cáo, hơn 77% dự toán ngân sách Trung ương năm 2025 chưa được phân bổ là điều "rất lạ" và đáng lo ngại. Đại biểu yêu cầu Chính phủ làm rõ trách nhiệm chậm trễ, tránh tạo ra cơ chế “xin – cho” và gây áp lực giải ngân vào cuối năm, ảnh hưởng hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.
Đại biểu cũng nhấn mạnh yêu cầu sửa đổi, bổ sung kịp thời các luật liên quan đến tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, đảm bảo sự đồng bộ trong chuyển đổi mô hình hành chính và cơ cấu chức năng nhiệm vụ của cấp xã – vốn sẽ thay thế cấp huyện trong nhiều địa phương sau sáp nhập.


Lo ngại về an sinh xã hội và thị trường lao động
Một trong những điểm được đại biểu Nguyễn Quốc Hận đặc biệt quan tâm là tác động xã hội từ việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính. Hàng loạt cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách buộc phải nghỉ việc trong khi khả năng thích nghi với thị trường lao động ngoài nhà nước còn hạn chế. Ông cảnh báo tình trạng này không chỉ gây lãng phí nguồn nhân lực mà còn có thể trở thành gánh nặng xã hội nếu không có giải pháp tái đào tạo và tạo việc làm phù hợp.
Bên cạnh đó, báo cáo của Ủy ban Văn hóa chỉ ra rằng hiện cả nước còn 1,35 triệu thanh niên từ 15–24 tuổi không học, không làm việc. Đây là vấn đề nghiêm trọng cần các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân để thu hút lao động trẻ.

 
Đề xuất nhiều giải pháp cấp thiết
Để tháo gỡ các điểm nghẽn và đạt được mục tiêu tăng trưởng, đại biểu Nguyễn Quốc Hận đề xuất Chính phủ cần:
Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sản xuất kinh doanh, cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.
Chủ động ứng phó với rủi ro từ chiến tranh thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng – đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội.
Khẩn trương sửa đổi, bổ sung luật để phù hợp với sắp xếp bộ máy hành chính.
Ban hành chính sách ứng phó với thất nghiệp do trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và tinh giản biên chế.
Tăng cường giải pháp quản lý thuê bao điện thoại chính chủ để ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng – vấn đề đang diễn biến rất phức tạp./.

 

Thúy Hằng