Mặc dù mới được thành lập từ năm 2018, nhưng Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên An Khang, có trụ sở tại ấp 14, xã Khánh Hòa, huyện U Minh đã góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và chung tay, góp sức cùng với địa phương thực hiện thắng lợi chương trình xóa đói giảm nghèo xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đã đề ra.
Anh Công giới thiệu máy may dùng để may giầy
Những ngày đầu thành lập, Công ty giầy An Khang cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại nhưng tập thể lãnh đạo Công ty cũng không nản chí. Những ngày đầu đi vào hoạt động, Công ty chỉ có 15 công nhân, tay nghề còn non yếu. Bình quân mỗi ngày, công nhân Công ty chỉ may gia công được khoảng 100 đôi giầy bán thành phẩm cho một số công ty nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan có cơ sở tại Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh… doanh thu của Công ty đạt thấp và thu nhập của công nhân cũng không cao. Tuy nhiên, trước nhu cầu tạo việc làm cho người động ở vùng nông thôn và sự sống còn của doanh nghiệp, tập thể lãnh đạo Công ty giầy An Khang quyết tìm một hướng đi đúng để doanh nghiệp vững bước đi lên. Đến nay, bình quân mỗi ngày Công ty may gia công bán thành phẩm được từ 700 đến 800 đôi giầy và tạo việc làm cho gần 100 lao động ở địa phương. Trong đó, chủ yếu là lao động nữ. Những lao động mới mới vào nghề có thu nhập khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng. Những công nhân vào làm lâu, tay nghề thành thạo có thu nhập từ 4,5 đến 5,5 triệu đồng mỗi tháng.Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên giầy An Khang Hồ Chí Công (Công ty giày An Khang) cho biết, sau nhiều lần được địa phương mời gọi, thu hút đầu tư của địa phương, với vai trò là Giám đốc tôi quyết định đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giày ở ấp 14, xã Khánh Hòa, huyện U Minh. Ngoài mong muốn tạo ra những sản phẩm có uy tín, chất lượng cho người tiêu dùng, bản thân tôi còn mong muốn được đóng góp 1 phần công sức nhỏ bé của mình trong việc tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời, tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước, làm động lực để địa phương tiếp tục thu hút đầu tư của các doanh nghiệp khác và chung tay, góp sức cùng với địa phương trong việc thực hiện hoàn thành chương trình xóa đói giảm nghèo và các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới đã đề ra.
Chị Phan Thị Trúc, ở ấp 8, xã Khánh Hòa cho biết: “Tôi vào Công ty giày An Khang này làm được gần 1 năm, công việc may giầy gia công bán thành phẩm rất đơn giản, không khó lắm. Nếu người nào đã biết may quần áo rồi thì vào đây may giầy gia công bán thành phẩm rất dễ. Trong quá trình may, đòi hỏi sự cần cù, khéo léo, siêng năng của mỗi người. Công việc làm nhìn chung phù hợp và vừa sức với chị em phụ nữ, thu nhập hàng tháng tương đối ổn định. Còn việc lương cao hay thấp còn phụ thuộc vào năng suất làm việc của mỗi người. Đi làm ở Công ty giày An Khang tiện lợi ở chỗ là không phải đi lao động xa nhà như ở Bình Dương, Đồng Nai, hay thành phố Hồ Chí Minh. Công việc làm cũng nhàn, nhẹ và chỉ làm việc trong mát. Thời gian làm việc cũng như làm các Công ty khác, sáng 7 giờ bắt đầu vào làm đến 12 giờ nghỉ trưa được 1 tiếng đồng hồ. Chiều làm việc từ 13 giờ đến 17 giờ. 1 tháng làm đủ 26 ngày thì Công ty trả lương đủ 1 tháng. Nếu làm tăng ca thêm, 1 giờ Công ty trả cho 15.000 đồng. Theo tôi, nếu so với công việc đi làm mướn khác, thì làm ở Công ty giày An Khang công việc được ổn định, nhẹ nhàng hơn, không sợ mưa nắng gì hết và thu nhập cũng ổn định hơn. Vì vậy, tôi đã vận động hơn 10 chị em phụ nữ trong ấp 8, xã Khánh Hòa không có công ăn việc làm xin vào Công ty giày An Khang này làm để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Có nhiều chị em từ ngày vào Công ty này làm kinh tế gia đình từng bước ổn định hơn trước đây nhiều”.
Em Nguyễn Cẩm Tú, ở ấp 14, xã Khánh Hòa cho biết: “Hoàn cảnh gia đình em khó khăn lắm, nhà đông nhân khẩu, đất sản xuất ít, không ai có nghề nghiệp ổn định. Khi thấy Công ty giầy An Khang có tuyển nhân viên nữ nên em xin vào làm. Vào Công ty này làm được cái là gần nhà, công việc may giầy gia công bán thành phẩm rất đơn giản, lương ổn định và trả lương cho công nhân kịp thời. Lúc mới vào làm, em sợ mình không làm được do tay nghề còn mới mẽ, nhiều lúc cũng gặp khó khăn nhưng nhờ được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các chị em trong Công ty đi làm trước nên dần dần công việc may giầy của em cũng thành thạo hơn. Hiện nay, bình quân mỗi ngày em may được từ 4 đến 5 đôi giầy gia công bán thành phẩm. Không những làm kiếm thu nhập cho bản thân, em còn vận động bạn bè nữ trong ấp 14, xã Khánh Hòa cùng đi may kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình”.
Ông Trần Văn Thới - Trưởng ấp 14, xã Khánh Hòa - cho biết: “Từ ngày đi vào hoạt động đến nay, Công ty giầy An Khang đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nữ các xã Khánh Hòa, Khánh Lâm, Khánh Tiến… Nhờ có việc làm, nhiều chị em phụ nữ ở vùng nông thôn U Minh có thêm nguồn thu nhập, kinh tế gia đình của nhiều chị em phụ nữ từng bước được cải thiện. Mong rằng trong thời gian tới, Công ty giầy An Khang mở rộng quy mô sản xuất và thu nhận nhiều công nhân nữ vào làm việc. Qua đó, góp phần cùng địa phương tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động ở nông thôn. Đồng thời, thực hiện thắng lợi chương trình xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.
Nguồn: camau.gov.vn