Với 1.340 cử tri tham dự và 53 lượt phát biểu, đã có 124 nội dung được phản ánh. Trong đó, 93 nội dung đã được đại diện sở, ngành và chính quyền tỉnh trực tiếp giải trình; 31 nội dung còn lại được Đoàn ĐBQH tiếp thu, phân loại và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Các đại biểu tham dự Hội nghị
1. Cử tri quan tâm, phản ánh đến Quốc hội, Chính phủ nhiều vấn đề về thể chế, chính sách.
Trên lĩnh vực pháp luật và trật tự xã hội: Cử tri bày tỏ lo ngại về tình trạng gia tăng các hành vi vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, nhất là trong học sinh, với các biểu hiện ngày càng nghiêm trọng như đua xe, gây rối trật tự công cộng, sử dụng hung khí... Cử tri đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng tăng chế tài hình sự đối với người chưa thành niên có hành vi nguy hiểm, đồng thời vẫn bảo đảm tính nhân đạo, phù hợp các cam kết quốc tế.
Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn: Cử tri phản ánh, người dân vùng nông thôn, đặc biệt là các hộ nuôi tôm, phản ánh nhiều khó khăn như giá vật tư tăng, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, khó tiếp cận vốn vay. Cử tri kiến nghị cần có chính sách cấp bách về hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm. Đồng thời, đề xuất Quốc hội, Chính phủ xem xét điều chỉnh điều kiện tách thửa đất nông thôn để phù hợp thực tế từng địa phương, giúp người dân thuận lợi trong chuyển nhượng, chia thừa kế.
Về tài chính – Tín dụng: Cử tri cho rằng điều kiện vay tín chấp phục vụ sản xuất nông nghiệp còn quá ngặt nghèo, gây khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp nhỏ. Đề nghị Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức khảo sát chuyên đề, hoàn thiện chính sách tín dụng nông nghiệp theo hướng nâng hạn mức vay tín chấp thực chất, đơn giản hóa điều kiện tiếp cận vốn.
Đối với chính sách xã hội và người có công: Cử tri đề nghị mở rộng phạm vi thụ hưởng trợ cấp cho con liệt sĩ đã hết tuổi lao động và có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, cần bổ sung chính sách hỗ trợ cho người thực tế thờ cúng liệt sĩ (như cô, bác, chú, cậu ruột) nhưng không được công nhận là thân nhân trực hệ. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ sau khi sáp nhập đơn vị hành chính được điều động về cấp xã gặp khó khăn về đời sống, cần được giữ nguyên các chế độ đã hưởng trước đó để bảo đảm yên tâm công tác.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri
Về việc làm và an sinh xã hội: Cử tri phản ánh quy định người hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp đến trung tâm việc làm báo cáo tình trạng tìm việc gây tốn kém, bất tiện. Đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ sửa đổi quy định theo hướng cho phép thông báo qua hình thức trực tuyến hoặc tại trung tâm hành chính công cấp xã.
Lính vực môi trường, đất đai và hạ tầng, xây dựng: Cử tri phản ánh tình trạng dân cư sinh sống lâu đời trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng nhưng không được bố trí đất ở gây bất ổn lâu dài. Cử tri đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để bổ sung quỹ đất ở cho khu vực này. Ngoài ra, đề xuất cơ chế điều chỉnh khung giá đất, tránh chênh lệch quá lớn giữa đất ở và đất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Cử tri nhiều nơi phản ánh tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng như cát, đá, sỏi do thủ tục cấp phép phức tạp và nguồn cung hạn chế. Giá vật liệu tăng đột biến ảnh hưởng tiến độ đầu tư công. Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan rà soát quy trình cấp phép khai thác khoáng sản theo hướng rút gọn, phân cấp hợp lý và bảo đảm kiểm soát chất lượng, giá thành.
2. Nhiều vấn đề từ thực tiễn địa phương được cử tri quan tâm, phản ánh
Nhiều cử tri đánh giá cao những nội dung cải cách thể chế, sắp xếp bộ máy, chính sách phát triển kinh tế - xã hội được bàn thảo tại Kỳ họp. Cử tri xã Đầm Dơi chia sẻ: Chúng tôi rất hoan nghênh tinh thần đổi mới của Quốc hội, nhất là quyết tâm cắt giảm thủ tục hành chính và tinh gọn tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, cần quan tâm hơn đến cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ sau khi tinh giản, tránh để lãng phí nhân lực đã được đào tạo bài bản.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, cử tri phản ánh tình trạng con giống kém chất lượng và hàng giả tràn lan. Cử tri xã Tân Thuận phản ánh: Chúng tôi nuôi tôm theo hướng công nghệ cao nhưng nhiều khi mua phải thức ăn giả, máy móc kém chất lượng. Nuôi không có lời, mà toàn là treo nợ. Mong tỉnh kiểm tra, xử lý mạnh tay hơn.
Về hạ tầng giao thông, nhiều tuyến đường nông thôn xuống cấp nghiêm trọng sau hàng chục năm sử dụng. Cử tri xã Tân Hưng phản ánh: Tuyến đường ven sông Bảy Háp đã xuống cấp quá nặng, người dân đi lại rất nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa. Rất mong tỉnh sớm bố trí vốn sửa chữa.
Ngoài ra, tình trạng thiếu điện phục vụ đời sống và sản xuất cũng được đề cập. Cử tri xã Gành Hào cho biết: Còn hàng chục hộ dân ở ấp Cựa Gà chưa có điện lưới quốc gia, phải kéo điện ‘chia hơi’ rất nguy hiểm. Trong khi đó, khu nuôi tôm công nghệ cao ở xã Đất Mới vẫn chưa có điện 3 pha.
Lĩnh vực an sinh xã hội cũng nhận được nhiều ý kiến quan tâm. Cử tri xã Hòa Bình đề nghị sớm triển khai chính sách trợ cấp xã hội cho người từ đủ 75 tuổi theo quy định từ tháng 7/2025. Nhiều cử tri ở xã An Trạch mong muốn có chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo còn sống trong cảnh nhà tạm bợ, dột nát.
Đáng chú ý, một số cử tri đặt vấn đề về việc thu các loại quỹ ở cơ sở. Cử tri xã Nguyễn Việt Khái, nêu: Chúng tôi mong được thông tin rõ ràng về các loại quỹ mà địa phương đang vận động đóng góp. Đặc biệt là Quỹ Nông dân và Quỹ xây dựng nông thôn mới – có văn bản nào quy định cụ thể không?
Về tổ chức bộ máy, cử tri đề xuất cần ưu tiên bố trí cán bộ người dân tộc thiểu số tại các xã có đông đồng bào dân tộc để thuận tiện trong công việc và tăng cường sự gắn bó với cộng đồng. Đồng thời, các xã, ấp đề nghị tỉnh sớm bổ sung máy vi tính, thiết bị công nghệ để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Qua hoạt động tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đã thể hiện tinh thần cầu thị, nghiêm túc lắng nghe ý kiến từ cơ sở, làm cầu nối chuyển tải đầy đủ nguyện vọng chính đáng của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền. Đây không chỉ là hoạt động giám sát xã hội hiệu quả, mà còn là minh chứng rõ nét cho tinh thần "gần dân, hiểu dân, vì dân" trong hoạt động của Quốc hội và hệ thống chính trị.
ĐHH