Ảnh: ĐBQH Nguyễn Duy Thanh, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho rằng, trong quá trình thực thi Luật Đấu thầu năm 2023 có một số quy định còn bất cập, chưa đáp ứng kịp thời trong triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách như quy định tại điểm m khoản 1 Điều 23 quy định về chỉ định thầu được áp dụng trong trường hợp “Gói thầu thuộc dự toán mua sắm có giá gói thầu trong hạn mức từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng;…”. Căn cứ quy định này, đối với các gói thầu sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên (nguồn sự nghiệp); nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia... thì không quy định cụ thể trong Luật Đấu thầu mà thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh của gói thầu mua sắm. Trên thực tế của tỉnh Cà Mau thì các gói thầu sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên rất nhiều, đặc biệt là các gói thầu duy tu sửa chữa công trình giao thông, thủy lợi, sửa chữa trụ sở cơ quan… có quy mô nhỏ dưới 01 tỷ đồng nhưng mang tính cấp bách. Do đó, việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rải làm tăng thủ tục, kéo dài thời gian thực hiện, gây khó khăn cho địa phương. Đại biểu đề nghị Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu lần này cần xem xét “nâng hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu dự toán từ nguồn kinh phí chi thường xuyên hạn mức không quá 01 tỷ dồng”.
Bên cạnh đó, quy định các gói thầu trên 100 triệu đồng phải thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh cũng gây khó khăn, vướng mắc trong ngành Y tế về đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế.
ĐBQH Nguyễn Quốc Hận, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận cũng thống nhất với ý kiến phát biểu của đại biểu Nguyễn Duy Thanh. Đồng thời, tham gia thảo luận, đóng góp một số nội dung vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch cụ thể như:
Việc tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch còn rất nhiều vướng mắc đến nay vẫn chưa tháo gỡ được. Vì vậy đề nghị đợt sửa đổi lần này, Chính phủ cần rà soát một cách toàn diện nhất để thực thi ngay khi Luật có hiệu lực. Đại biểu cũng băn khoăn về dự thảo sửa đổi trình lần này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, mà tiếp tục sửa đổi. Đã qua, luật của chúng ta thay đổi, sửa đổi liên tục làm cho hiệu lực của luật không được đảm bảo. Qua tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri cho rằng chất lượng xây dựng luật của Quốc hội có vấn đề như Luật Đất đai chưa có hiệu lực thi hành đã sửa. Do đó, để nâng cao chất lượng xây dựng luật trong thời gian tới, đại biểu đề nghị mỗi một luật sửa đổi phải có lộ trình, rà soát một cách toàn diện, sửa một lần thì có giá trị lâu dài.
Đối với mối quan hệ quy hoạch giữa các quy hoạch tại Điều 6 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Đại biểu nhận thấy, về quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị, quy hoạch chung,… tại một số địa phương, đơn vị hành chính trong thời gian qua có vẻ chưa được thống nhất, chưa được phối hợp một cách nhuần nhuyễn,.. mà cần được xem xét, tính toán lại; làm sao phải tính được sự thống nhất, đồng bộ và thứ bậc của hệ thống quy hoạch, các quy hoạch nhỏ phải tuân thủ các quy hoạch lớn, trong đó cần chú ý đến các quy hoạch vùng, vì quy hoạch vùng rất quan trọng bởi tính liên kết vùng rất là cao như đặc thù của Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với địa hình sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, địa giới hành chính của các tỉnh, các huyện là những con sông nên tác động, ảnh hưởng bởi hệ thống nước phục vụ nông nghiệp, nuôi trồng, thủy sản là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đồng tình về thủ tục rút gọn trong điều chỉnh quy hoạch. Tuy nhiên, cố gắng làm thế nào để các quy hoạch mang tính định hướng lâu dài; hạn chế tối đa việc phá vỡ quy hoạch, vì quy hoach này bị phá vỡ sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch khác. Đồng thời, trong điều chỉnh quy hoạch chúng ta cũng phải có cơ chế làm điều chỉnh một cách phù hợp, nhanh chóng, giảm thủ tục nhưng phải có những quy định cho rõ ràng, minh bạch, công khai để không tùy tiện trong điều chỉnh quy hoạch làm phá vỡ quy hoạch chung.
ĐBQH Lê Mạnh Hùng, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Đại biểu Lê Mạnh Hùng thống nhất cao việc sửa đổi các luật tại kỳ họp này, đồng thời đóng góp vào một số nội dung, quy định còn bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu. Cụ thể như:
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư: Tại khoản 8 Điều 2 sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 47 “đ) Nhà đầu tư không thực hiện đúng nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đã bị xử phạt hành chính nhưng tiếp tục vi phạm, trừ trường hợp không thực hiện đúng tiến độ tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”. Trong trường hợp này thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ ra quyết định dừng một phần hoạt động của dự án đầu tư, đại biểu cho rằng, nếu quy định như thế này thì bất cứ một vi phạm nào trong các nội dung của Giấy chứng nhận đầu tư và văn bản chấp nhận chủ trương đầu tư thì đều dừng thì ko phù hợp với tình hình thực tế. Đại biểu kiến nghị sửa đổi theo hướng cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư chỉ ra quyết định dừng hoặc dừng một phần hoạt động của dự án, nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng các nội dung chấp thuận đầu tư dẫn đến thay đổi mục tiêu, quy mô dự án, đánh giá tác động môi trường và không phù hợp với quy hoạch. Còn các nội dung khác trong thực tế thì triển khai dự án đầu tư từ khi được chấp thuận chủ trương đầu tư cho đến lúc triển khai đầu tư là một khoản thời gian rất dài, có rất nhiều thay đổi nên quy định như trên là rất cứng nhắc.
Bên cạnh đó, tại Điều 47 dự thảo luật cũng có hai nội dung về dừng đầu tư: (1) dừng đầu tư chủ động do nhà đầu tư dừng và đã loại trừ trường hợp tiến độ; theo đại biểu, cần phải điều chỉnh nội dung này cho phù hợp với thực tế. (2) tại khoản 9 Điều 2 bổ sung điểm a1 vào sau điểm a khoản 2 Điều 48 “a1) Sau 24 tháng kể từ điểm kết thúc tiến độ thực hiện mục tiêu hoạt động của dự án theo quy định tại chấp thuận chủ trương Giấy chứng nhận đầu tư thực hiện mục tiêu hoạt động của dự án nếu có theo quy định quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản chấp thuận điều chỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh mà nhà đầu tư vẫn không hoàn thành mục tiêu hoạt động này và không thuộc trường hợp được điều chỉnh theo quy định, trừ trường hợp bị thu hồi đất tại điểm d khoản này”. Đại biểu cho rằng Điều này quy định không rõ và không đồng bộ với quy định tại Luật Đất đai. Do đó, kiến nghị phải làm rõ và bổ sung quy định về việc có thu hồi đất sau khi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bị thu hồi hay không? Đây là khó khăn trong thực tiễn và khó khăn chưa đồng bộ với Luật Đất đai.
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu:
Thứ nhất, tại khoản 9 Điều 4 sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 1 Điều 31 “b) Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có nội dung thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển do Thủ tướng Chính phủ ban hành…”. Đại biểu đề nghị sửa đổi như sau “Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ khi tư vấn mua sắm hàng hóa xây lắp hỗn hợp có nội dung hoặc công việc thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển danh mục phát triển công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc có yêu cầu cao về kỹ thuật. Trường hợp không áp dụng tại điểm này thì chọn phương án phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, trong đó khái niệm về yêu cầu cao về kỹ thuật của gói thầu đã được quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu, và sẽ do người có thẩm quyền hoặc chủ đầu tư tự quyết định”. Đây là vấn đề hiện nay đang là điểm nghẽn trong thực tiễn khi chúng ta lựa chọn các cái gói thầu công nghệ cao mà không có tên trong danh mục ban hành bởi Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, tại khoản 12 Điều 4, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 43 tương ứng với trường hợp khi lựa chọn nhà thầu có tính chất công nghệ cao và có yêu cầu cao về kỹ thuật, trong quá trình thương thảo hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn đối với gói thầu mua sắm hàng hóa xây lắp và cung cấp dịch vụ phí tư vấn áp dụng đấu thầu quốc tế gói thầu hỗn hợp và có gói thầu có nội dung thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển danh mục sản phẩm danh mục công nghệ cao được khuyến khích phát triển do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Thêm điều kiện là họ có yêu cầu cao về kĩ thuật tương ứng với nội dung được sửa tại Điều 31 nêu trên. Trường hợp cần thiết thì bên mời thầu có thể thương thảo hợp đồng với nhà thầu xếp hạng thứ nhất cho phù hợp với quá trình lựa chọn nhà thầu và thương thảo hợp đồng đây là vấn đề rất quan trọng mà hiện nay gây khó khăn trong thực tế đối với các gói thầu quy mô lớn và công nghệ cao. Đây cũng là phương thức lựa chọn, tiếp nhận các công nghệ cao vào nước ta mà không bị các rào cản về mặt quy định.
Thúy Hằng