ĐBQH Nguyễn Duy Thanh, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau

Tại buổi thảo luận, ĐBQH Nguyễn Duy Thanh thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau tán thành với nhiều ý kiến của các đại biểu phát biểu trước. Đồng thời, phát biểu thêm một số ý kiến đóng góp để hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế như sau:


   Thứ nhất, cần đánh giá tác động của chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT toàn quốc theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hướng tới đây, người tham gia BHYT có thể khám, chữa bệnh trên toàn quốc và được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán. Do đó, đề nghị Bộ Y tế cần có đánh giá cụ thể và có phương án trình Quốc hội để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người tham gia BHYT theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội. Đồng thời, quy định rõ trong Luật lộ trình thông tuyến toàn quốc về khám, chữa bệnh BHYT: (i) trước mắt thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT theo bệnh đối với các trường hợp chuẩn đoán bệnh cần điều trị chuyên khoa sâu như ung thư, bệnh máu… mà cơ sở khám, chữa bệnh BHYT cấp dưới không thực hiện được hoặc thực hiện còn hạn chế (vì đi khám, chữa bệnh cấp ban đầu hay cấp cơ sở thì cũng phải chuyển viện lên cấp chuyên sâu, mất thời gian của bệnh nhân và khám, chữa bệnh không kịp thời làm bệnh nặng thêm, trong khi thủ tục chuyển viện vẫn còn rườm rà…); (ii) Bộ Y tế sớm ban hành danh mục các bệnh, các kỹ thuật can thiệp điều trị hoặc phẫu thuật, thủ thuật được thông tuyến toàn quốc khám, chữa bệnh BHYT và danh mục các bệnh điều trị tại 3 cấp chuyên môn (ban đầu, cơ bản và chuyên sâu).


   Thứ hai, cần có quy định giải quyết những vướng mắc trong công tác thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và cơ sở khám, chữa bệnh thời gian qua, tránh tình trạng lạm dụng Quỹ bảo hiểm y tế, vì đây là một trong những vấn đề bức xúc mà chưa được giải quyết thấu đáo.
Thứ ba, dự thảo Luật cần xác định rõ hoặc quy định về trách nhiệm giao dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT hằng năm cho Bảo hiểm xã hội các tỉnh và cơ sở khám, chữa bệnh. Giao Bộ Y tế quy định tiêu chí lập, giao, điều chỉnh dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT; hướng dẫn các tiêu chí rà soát xác định các chi phí khám, chữa bệnh BHYT vượt dự toán được thanh toán để đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, phòng chống tiêu cực, lạm dụng Quỹ bảo hiểm y tế, tránh trường hợp giao quá trễ gây khó khăn trong việc thực hiện.


   Thứ tư, tình trạng bệnh nhân đi khám, chữa bệnh BHYT nhưng bệnh viện thiếu thuốc, thiếu thiết bị y tế, bệnh nhân tự mua thì không được chi trả, dù đây là quyền và lợi ích của bệnh nhân. Mới đây Thông tư số 22/2024/TT-BYT ngày 18/10/2024 của Bộ Y tế quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người bệnh khám, chữa bệnh BHYT lại chỉ thanh toán cho loại thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm, trong khi bệnh viện thiếu nhiều loại thuốc thông thường và thiết bị y tế loại C và loại D. Như vậy, bệnh nhân khó được thanh toán chi phí tự bỏ ra, chưa kể những nguy cơ về chất lượng thuốc, mất thời gian.
 

   Thứ năm, cần rà soát, có quy định đảm bảo tính khả thi của quy định khám, chữa bệnh BHYT theo cấp chuyên môn kỹ thuật. Bộ Y tế chịu trách nhiệm về việc lãnh đạo, chỉ đạo phân loại cơ sở khám, chữa bệnh công lập và tư nhân xếp theo cấp chuyên môn kỹ thuật trước ngày 01/01/2025 theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh để đồng bộ với việc thanh, quyết toán khám, chữa bệnh bằng BHYT theo cấp chuyên môn kỹ thuật.

                                                                                               Thúy Hằng