Chủ trì tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, tại điểm cầu Cà Mau có sự tham dự đại diện: Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội và một số sở, ngành tỉnh.
Các đại biểu tham dự diễn đàn tại điểm cầu Cà Mau
Phát biểu khai mạc diễn đàn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Diễn kinh tế Việt Nam là cơ hội để Quốc hội, các cơ quan tổ chức hữu quan lắng nghe ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, các đối tác phát triển của Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, nhân dân, cử tri, cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước hiến kế các giải pháp tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững và những đề xuất cụ thể về huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực của chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ với quy mô, liều lượng hợp lý nhất, sự phối hợp của các chính sách này để duy trì tăng cường các động lực tăng trưởng, vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đáp ứng được yêu cầu trước mắt và mục tiêu dài hạn của phát triển bền vững hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số; diễn đàn này có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm góp phần làm rõ thêm những luận cứ khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế để Quốc hội, Chính phủ xem xét giải quyết các gói chính sách, giải pháp về tài khóa tiền tệ vừa đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch COVID – 19 vừa hỗ trợ cho mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, nhằm cụ thể hóa chủ trương đã được nêu tại Văn kiện của Hội nghị Trung ương 4 khóa 13 và Nghị quyết của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 15, không chỉ góp phần hoàn thành chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 mà cho cả nhiệm kỳ 5 năm.
Năm 2020 và các tháng đầu năm 2021 đã chứng kiến nhiều biến động của kinh tế Việt Nam, tốc độ tăng GDP đạt 2,94% vào năm 2020 và 1,42% trong 9 tháng đầu năm 2021, mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng cả năm 2021 chỉ đạt khoảng 3%. Từ đầu năm 2021, Chính phủ thực hiện cách tiếp cận và điều hành chính sách linh hoạt để thích ứng và đảm bảo “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế; thể hiện qua các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, hay những mục tiêu tương đối tham vọng về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Diễn đàn diễn ra trong một ngày với những nội dung như Tọa đàm cấp cao về “Một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”, những vấn đề dự kiến được bàn thảo ở toạ đàm là phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19; một số gợi ý với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam; kiến tạo động lực cho phục hồi và phát triển; Các phiên thảo luận chuyên đề về phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế.
Ngay tại diễn đàn các đại biểu đã lắng nghe nhiều ý kiến hết sức tâm quyết và đầy trách nhiệm của các đại biểu tham gia trong và ngoài nước là tiền đề để các cơ quan của Quốc hội tổng hợp ý kiến đưa ra những quyết sách trong thời gian tới.
Lê Chí – Thanh Sự