Ảnh: ĐBQH Nguyễn Duy Thanh, Ủy viên Ủy ban Tài chính,  Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau

Tại buổi thảo luận, ĐBQH Nguyễn Duy Thanh thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng tại Dự thảo Luật còn nhiều bất cập. Trên thực tế, có nhiều công ty hoạt động sản xuất, sử dụng đất, sử dụng lao động, nguyên liệu và bán hàng tại địa phương nhưng theo quy định thì nộp thuế về Trung ương, ví dụ như:
Tại tỉnh Cà Mau, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện bán khí cho các Công ty thuộc Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau thông qua đường ống dẫn khí PM3 Cà Mau; từ năm 2021 trở về trước, PVN thực hiện xuất hóa đơn, kê khai nộp thuế GTGT phát sinh đối với hoạt động bán khí nêu trên tại tỉnh Cà Mau theo hướng dẫn tại Công văn số 14477/BTC-TCT ngày 23/12/2012 của Bộ Tài chính, theo nguyên tắc “Người nộp thuế kê khai, nộp thuế GTGT tại địa phương nơi sản xuất, kinh doanh”. Riêng năm 2021 đã nộp ngân sách tỉnh Cà Mau 936 tỷ đồng. Nguồn thu trên đã góp phần tăng thu ngân sách rất lớn cho tỉnh, ổn định cân đối thu, chi ngân sách nhà nước tỉnh Cà Mau, và tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Từ năm 2022, thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 45 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Quốc hội giao Chính phủ quy định cụ thể địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với trường hợp: “b) Người nộp thuế thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều địa bàn;…”. Căn cứ quy định này, Chính phủ quy định địa điểm nộp hồ sơ khai thuế: “Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nộp hồ sơ khai các khoản thu thuộc ngân sách nhà nước phát sinh từ hoạt động dầu khí theo quy định của Chính phủ tại quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế”.
Với quy định trên, từ năm 2022 đến nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) kê khai, nộp thuế tập trung tại trụ sở chính, nộp ngân sách nhà nước tại trung ương, bao gồm cả thuế GTGT phát sinh từ hoạt động kinh doanh khí tại tỉnh Cà Mau, ảnh hưởng giảm thu ngân sách tỉnh hàng năm khoảng 1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng thu ngân sách hàng năm của tỉnh. Việc này cũng kéo giảm trần nợ vay của địa phương, làm giảm quy mô, khả năng đầu tư phát triển của tỉnh, nhất là đầu tư hạ tầng, trong khi Cà Mau là tỉnh có rất nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, sạt lở, sụp lún đất, cách xa các trung tâm kinh tế lớn, hạ tầng giao thông kết nối yếu kém, địa hình chia cắt bởi sông rạch chằng chịt, nền đất yếu, vật liệu xây dựng không có tại chỗ, suất đầu tư cao hơn nhiều so với các tỉnh lân cận, thu hút đầu tư còn hạn chế, chưa tự cân đối được ngân sách. 
Việc tỉnh Cà Mau không được hưởng đầy đủ các nguồn thu ngân sách từ hoạt động sản xuất kinh doanh của Cụm Dự án Khí – Điện – Đạm Cà Mau, cụ thể là hoạt động kinh doanh khí của PVN phát sinh tại Cà Mau nhưng không nộp ngân sách tại địa phương, trong khi tỉnh phải cân đối rất nhiều nguồn lực, tài lực, vật lực để xử lý các vấn đề môi trường, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ, cũng như mọi điều kiện thuận lợi nhất để Cụm Dự án hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả là chưa phù hợp với những đóng góp, nỗ lực, chia sẻ, đồng hành của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Cụm Dự án.
Từ những lý do đó, đại biểu đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 45 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 như sau: “Người nộp thuế thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính thì kê khai, nộp thuế GTGT tại địa phương nơi sản xuất, kinh doanh”. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ: “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng tại địa phương nơi sản xuất, kinh doanh”. Còn lại “Các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước phát sinh từ hoạt động dầu khí theo quy định của Chính phủ tại quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện khai, nộp thuế tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế.” giữ nguyên theo quy định hiện tại.
Ngoài nội dung trên, đại biểu thống nhất việc áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với phân bón, thống nhất với phương án do Chính phủ trình là đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế nhằm: (1) hỗ trợ sản xuất trong nước tạo cơ hội đầu tư phát triển nâng cao công nghệ, tạo công ăn việc làm, tự chủ về phân bón góp phần bảo đảm an ninh lương thực; (2) doanh nghiệp trong nước được khấu trừ đầu vào, bảo đảm tối ưu chi phí có cơ hội giảm giá buôn bán cho nông dân, nông nghiệp; (3) tạo sự bình đẳng trong sản xuất kinh doanh với hàng hóa nhập khẩu hiện nay.
                                                                                                           

Thúy Hằng