Qua giám sát nhằm nắm tình hình, kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình) theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 1719) và các quy định có liên quan trên địa bàn tỉnh Cà Mau; qua giám sát đã đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đồng thời có kiến nghị, đề xuất đến các ngành chức năng để kịp thời có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Phương Đông, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh phát biểu nhấn mạnh nhiệm vụ quan tâm đến sinh kế cho người dân vùng đồng bào dân tộc tại buổi làm việc với ban Dân tộc tỉnh ngày 15/11 vừa qua.
Toàn tỉnh hiện hiện có 32 DTTS, với trên 12.000 hộ, gần 48.000 người. Đồng bào DTTS đông nhất của tỉnh là dân tộc Khmer gần 10.000 hộ, khoảng 39.000 người; tiếp đến là dân tộc Hoa với gần 1.600 hộ, khoảng 7.000 người; còn lại là 30 DTTS khác với khoảng 432 hộ, trên 2.000 người. Theo kết quả rà soát cuối năm 2023, hộ nghèo đồng bào DTTS còn 713 hộ, hộ cận nghèo 502 hộ.
Vùng đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025 gồm 5 xã khu vực III (Khánh Thuận, Khánh Lâm thuộc huyện U Minh; Ngọc Chánh, Thanh Tùng, Quách Phẩm Bắc thuộc huyện Đầm Dơi), 1 xã khu vực I (phường 2, TP Cà Mau); có 43 ấp, khóm đặc biệt khó khăn nằm ngoài xã khu vực III và 32 ấp, khóm có đông đồng bào DTTS vừa mới được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc phê duyệt bổ sung thuộc vùng đồng bào DTTS.
Tổng vốn ngân sách Nhà nước phân bổ cho chương trình đến thời điểm hiện tại là 181.660 triệu đồng (bằng 69,67% tổng nhu cầu vốn của giai đoạn 2021-2025). Đến 20/10/2024, toàn tỉnh đã giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước của chương trình được 138.072 triệu đồng, đạt 76,01% kế hoạch vốn được giao.
Ông Nguyễn Đức Tiến, Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh ( bìa trái) khảo sát đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS tại xã Khánh Thuận, huyện U Minh.
Việc phân bổ, sử dụng nguồn vốn chương trình và các nguồn vốn lồng ghép thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với địa bàn thụ hưởng chính sách, đúng theo danh mục và kế hoạch thực hiện của các địa phương thuộc diện đầu tư của chương trình; tuân thủ trình tự, thủ tục và tiêu chí, nguyên tắc, định mức phân bổ vốn theo Nghị quyết của HĐND tỉnh và Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan. Kế hoạch phân khai chi tiết nguồn vốn ngân sách bố trí thực hiện các dự án, tiểu dự án của chương trình từng năm đều được HĐND tỉnh thông qua trước khi UBND tỉnh quyết định phân bổ chi tiết cho các ngành, địa phương thực hiện.
Bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cho rằng: “Thời gian qua, ở địa phương việc nghiên cứu văn bản chưa kỹ, chưa chặt chẽ; việc nhắc nhở, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ từng lúc từng nơi chưa thật hiệu quả. Trong thời gian tới, mong muốn Uỷ ban MTTQ tỉnh chỉ đạo trong toàn hệ thống; thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho Ban chỉ đạo, tham gia giám sát, giúp cơ quan chủ quản thực hiện Chương trình tốt hơn. Quy trình cộng đồng phải gọn lại; bộ phận chuyên môn phải sát và trách nhiệm hơn thì hiệu quả các dự án, tiểu dự án mới đảm bảo và có hiệu quả”.
Theo đó, từ nguồn vốn của Chương trình, toàn tỉnh đã hỗ trợ đất ở cho 29 hộ; 475 hộ được hỗ trợ nhà ở; 316 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề; 741 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; đã triển khai hỗ trợ 88 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế cộng đồng cho hơn 1.000 hộ tham gia; đã và đang triển khai hỗ trợ đầu tư xây dựng mới 113 công trình giao thông nông thôn, trụ sở sinh hoạt văn hoá ấp, công trình thoát nước; thực hiện duy tu bảo dưỡng 76 công trình…
Bà Trần Thị Kiều Yến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau có ý kiến cho rằng: “Việc tổ chức các lớp tập huấn thời gian qua quá nhiều, chồng chéo, dẫn đến hiệu quả mang lại không như mong muốn. Việc triển khai mô hình trong dân áp dụng chưa đúng, vì dân chưa thể sử dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất; từ chỗ mô hình triển khai không hiệu quả, phải trả nguồn. Trong thời gian tới, nên linh hoạt trong việc phân bổ nguồn vốn, đầu mối tiếp nhận nguồn là cấp huyện hội, từ đó sẽ triển khai hiệu quả và thiết thực hơn”.
Một thực tế hiện nay, tiến độ triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của chương trình, cũng như tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn khá chậm, chưa đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp. Các chính sách có tác động trực tiếp, tác động lớn đến đời sống của đồng bào vùng DTTS như chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất thì luôn phải đối mặt với áp lực rất lớn trong việc tạo quỹ đất để triển khai hỗ trợ.
Ông Nguyễn Đức Tiến, Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh nhấn mạnh: “Qua khảo sát thực tế tại các địa phương; đối với dự án 1 giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đây được xem là dự án lớn của Chương trình. Ở dự án này, với nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo thì đa phần tại các địa phương Đoàn giám sát có ghi nhận chung là nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội chưa bố trí được; đây sẽ là cơ sở để Ban kiến nghị, đề xuất đến các ngành chức năng để kịp thời có giải pháp khắc phục trong thời gian tới”.
Từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh đang triển khai hỗ trợ đầu tư xây dựng mới 113 công trình giao thông nông thôn.
Để chương trình đạt kết quả tốt hơn, Ban Dân tộc tỉnh kiến nghị Uỷ ban Dân tộc và các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu bổ sung cơ chế quy định riêng nhằm mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng của chương trình ở giai đoạn II đối với hộ cận nghèo thuộc địa bàn các xã, ấp đặc biệt khó khăn vùng DTTS; xem xét đề xuất cơ chế ưu tiên về định mức hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương cho các tỉnh khu vực ĐBSCL (cao hơn khoảng 1,5-2 lần so với định mức chung của chương trình) để thực hiện các nội dung chính sách hỗ trợ về: đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt; nhất là định mức hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các địa phương vùng DTTS của các tỉnh trong khu vực, nhằm phù hợp hơn với suất đầu tư thực tế của vùng.
Ông Nguyễn Phương Đông, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh nhấn mạnh: “ Trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS cần bám và làm đúng theo quy định của Trung ương; đặc biệt quan tâm đến việc hệ thống lại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để triển khai cho cơ sở hiểu và làm theo cho đúng. Còn hơn tháng nữa là hết năm 2024, nguồn vốn không sử dụng hết cần xem xét, tính toán chuyển nguồn nhanh chóng. Đặc biệt, quan tâm đến sinh kế của cho người dân vùng đồng bào DTTS; khi triển khai bất kỳ chương trình, dự án nào liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số phải căn cơ”./.
Phú Hữu