Ông Nguyễn Quốc Hận, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, TUV,
Phó Trưởng Đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau
Theo đại biểu, năm 2021 trong nước tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ tư, diễn biến phức tạp hơn, bùng phát ở nhiều địa phương, xâm nhập vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất, buộc chúng ta phải áp dụng những biện pháp phòng, chống dịch bệnh chưa có tiền lệ, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất kinh doanh, tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội. Dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã bào mòn sức chống chịu của doanh nghiệp và người dân. Trong bối cảnh đó, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một giải pháp cơ bản, tối ưu để ổn định tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, ở nơi này, nơi khác, ở lĩnh vực này, lĩnh vực khác thì việc lãng phí vẫn còn diễn ra trong một thời gian dài mà chưa có giải pháp khắc phục, cụ thể ở một số lĩnh vực như sau:
Thứ nhất, đó là về quy hoạch treo. Đây là nội dung "biết rồi nói mãi" nhưng không nói không được, vì qua tiếp xúc cử tri, qua báo cáo của Mặt trận Tổ quốc, của Ban Dân nguyện và cả sự thừa nhận của chính quyền các cấp về sự lãng phí nghiêm trọng trong các quy hoạch treo. Điều đáng nói là dù biết vậy, dù bức xúc như vậy, dù được đề cập nhiều đến vậy nhưng năm tháng trôi qua quy hoạch treo vẫn "trơ mình cùng tuế nguyệt". Nước ta là một nước nông nghiệp với tỷ trọng nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ cao thì đất đai là một tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng bậc nhất, quyết định để tạo ra các giá trị vật chất cho xã hội. Ông bà ta có câu "tấc đất, tấc vàng" nhiều dự án treo đất bỏ hoang, bỏ không hàng tỷ tấc đất thì chúng ta đã lãng phí bao nhiêu tấc vàng. Trong khi hàng ngàn hecta đất bỏ hoang, bỏ không do chưa triển khai được quy hoạch thì có hàng ngàn, hàng chục ngàn hộ gia đình không có đất để ở, phải ở tạm gầm cầu, ven sông, nơi không an toàn và luôn tiềm ẩn các rủi ro ngày đêm rình rập. Điều này rất cần các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt, có giải pháp khắc phục hữu hiệu, kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án không đủ khả năng hoặc cố tình kéo dài dự án. Trong hoạch định cần bám sát thực tiễn về nhu cầu của xã hội, nguồn lực đáp ứng, khả năng triển khai để có một quy hoạch phù hợp, khoa học, khả thi, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, cùng với quy hoạch treo thì việc lập, triển khai kế hoạch đầu tư công còn nhiều bất cập, hạn chế. Có gì khuất tất trong việc nhiều dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, không đủ điều kiện nhưng vẫn được phân bổ vốn? Trong khi đó, nhiều dự án dở dang, bức xúc thì không được bố trí, dẫn đến không khai thác, phát huy được tác dụng, mà dự án đường Hồ Chí Minh là một minh chứng. Mặc dù đã có chủ trương đầu tư từ năm 2000 đến nay đã trên 22 năm, nhưng đoạn đường này lại phải tiếp tục được Quốc hội thảo luận để có tiếp tục đầu tư các đoạn còn lại hay không. Những bất cập ở các đoạn khác đã được đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn Quảng Trị, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn Hòa Bình phát biểu trong phiên thảo luận ngày hôm qua. Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất và Gò Quao - Vĩnh Thuận chưa được đầu tư. Bên cạnh đó đường Hồ Chí Minh đoạn đi trùng với Quốc lộ 63 qua tỉnh Cà Mau rất hẹp và xuống cấp nghiêm trọng. Đã có chủ trương đầu tư mở rộng từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư và chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn để thông tuyến.
Trước tình hình đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư, các đoạn còn lại và duy tu mở rộng các tuyến trùng để sớm đưa cung đường này vào khai thác, chống lãng phí về nguồn lực đầu tư. Tương tự, việc ngăn mặn, giữ ngọt thích ứng với biến đổi khí hậu là một đòi hỏi bức thiết của Đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua dưới sự quan tâm của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì nhiều công trình chống ngăn mặn ở khu vực này đã được hình thành. Tuy nhiên với địa hình sông ngòi chằng chịt và đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên thông dưới biển, do nguồn lực có hạn cùng một lúc không thể đầu tư khép kín nên dẫn đến tình trạng nhiều cống ngăn mặn nhiều năm qua không giữ vai trò gì có ích cho xã hội mà thậm chí còn làm cản trở lưu thông, cản trở dòng chảy gây ô nhiễm môi trường cho các đoạn sông nơi nó chế ngự, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất của người dân. Các ngành, các cấp cần đánh giá lại hiệu quả của các công trình này và sớm có kế hoạch đầu tư khép kín từng khu vực, từng vùng để phát huy tối đa hiệu quả các công trình này.
Thúy Hằng