Đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho rằng việc giảm thuế VAT là chủ trương đúng đắn, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ từ phía người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua đã phát sinh một số vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách này mà nếu không được quy định cụ thể, sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

 

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh phát biểu thảo luận


Lấy ví dụ từ thực tế, đại biểu cho biết đã có những trường hợp hợp đồng được ký kết và nghiệm thu khi thuế VAT vẫn áp dụng mức 10%, nhưng khi đưa hồ sơ thanh toán qua kho bạc, do nghị quyết mới có hiệu lực với mức thuế 8%, cơ quan chức năng đã khấu trừ 2% chênh lệch. Điều này khiến doanh nghiệp bị thiệt hại, dù toàn bộ chi phí đầu vào đã tính theo mức thuế cũ.
“Có trường hợp hợp đồng trị giá hơn 100 tỷ đồng, khi thực hiện thanh toán, doanh nghiệp bị cấn trừ hơn 2 tỷ đồng, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận – vốn đã rất khiêm tốn”, đại biểu chia sẻ và cho biết đây là tình trạng phổ biến ở nhiều đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan nhà nước.
Từ đó, đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị ban soạn thảo cần quy định rõ trong Nghị quyết, cũng như ban hành hướng dẫn chi tiết để tránh trường hợp áp dụng chính sách thuế mới cho các hợp đồng đã ký, đã nghiệm thu và hoàn tất thanh lý trước thời điểm Nghị quyết có hiệu lực. Ngoài ra, cần lưu ý đặc thù của các hợp đồng trọn gói, cố định về giá, nhằm bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp, tránh xảy ra tranh chấp và gây khó khăn trong thực hiện ngân sách.
“Chủ trương thì tốt nhưng cần cụ thể, rõ ràng trong triển khai để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh”, đại biểu nhấn mạnh./.

 

Thúy Hằng