Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Theo Chương trình làm việc, sau khi các đại biểu thảo luận về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Thành viên Chính phủ có liên quan sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Đinh Ngọc Minh thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đánh giá cao Báo cáo của Đoàn giám sát. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm nội dung về tình hình toàn cảnh thị trường bất động sản ở nước ta hiện nay vào Báo cáo. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì chúng ta cấp ra khoảng 750.000 ha đất ở, nhưng chúng ta ở chỉ mới 250.000 ha, như thế thì 500.000 ha còn lại ở đâu? Nó nằm ở khu vực phân khúc thị trường nào? Chúng ta cần phân tích, đánh giá rõ để có những chính sách hợp lý. 

 

Đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH khóa XV thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau 

Đại biểu cũng chỉ ra, hiện nay vẫn đang có tình trạng thiếu hụt nhà ở cho người có thu nhập thấp. “Thực tế hiện nay các chung cư mini, nhà trọ có diện tích rất nhỏ, chỉ khoảng 10m2 cho một hộ gia đình. Như vậy sẽ rất khó khăn và vất vả cho những đối tượng người có thu nhập thấp, như công nhân”. Về các giải pháp, đại biểu đề nghị cần giao cho Chính phủ xây dựng chính sách cụ thể về phân khúc nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, nhấn mạnh thủ tục hành chính là điểm nghẽn của điểm nghẽn, tình trạng giá nhà ở cao thời gian qua chủ yếu do thủ tục hành chính phức tạp, gây ra chi phí đầu vào cao, đại biểu đề nghị cần phải có các giải pháp nhằm giảm tối đa các thủ tục hành chính, thậm chí bỏ một số thủ tục không cần thiết trong giai đoạn triển khai chính sách nhà ở xã hội trong thời gian tới.  
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ  Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, qua báo cáo giám sát và ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội, Bộ Xây dựng thấy rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023. Báo cáo một số nội dung liên quan đến công tác phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của công nhân, người lao động và người thu nhập thấp. Nhiều vướng mắc liên quan đến quy định và thực thi pháp luật, vướng mắc liên quan đến quy hoạch đất đai, đầu tư, đấu thầu, xây dựng, tín dụng… liên quan đến thủ tục hành chính triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội. Chính sách ưu đãi chưa thực sự khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội như báo cáo giám sát và ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu.    
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao và cảm ơn Quốc hội đã lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bất động sản, nhà ở xã hội vào thời điểm đúng đắn khi chúng ta đang tiến hành tổng kết các luật liên quan đến đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản. Trong đó, Phó Thủ tướng đồng tình với các ý kiến đã nêu về những tồn tại trong quản lý thị trường bất động sản, nhà ở xã hội, có tình trạng mất cân đối cung cầu. Số lượng nhà ở xã hội còn thấp, có nơi đã xây dựng nhưng chưa đưa vào sử dụng, nhiều nhà ở tái định cư đang để lãng phí, nhà ở thương mại đang được tập trung đầu tư nhiều hơn. Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, theo Hiến pháp, không chỉ có đối tượng chính sách, mà toàn bộ người dân có quyền sử dụng nhà ở; công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang… đều cần được thụ hưởng chính sách, nên 1 triệu căn nhà ở xã hội vẫn là một phần nhỏ bé. Việc hoàn thiện các khâu điều tra, đánh giá nhu cầu đối với nhà ở xã hội, mở rộng các đối tượng thụ hưởng để mọi người dân đều tiếp cận được nhà ở xã hội là việc cần thiết. Cùng với đó, cần triển khai cụ thể ở từng địa phương công tác liên quan đến chiến lược, quy hoạch nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở đô thị, nhà ở thương mại. Đồng thời, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ mở rộng, tạo quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, rà soát toàn bộ quỹ nhà tái định cư để chuyển sang nhà ở xã hội, đẩy mạnh cải cách, rút gọn, tinh giản quy trình thủ tục hành chính, mở rộng các đối tượng thụ hưởng, tăng khả năng tiếp cận nhà ở xã hội, sử dụng phối hợp nhiều biện pháp để giữ giá nhà ở xã hội ở mức hợp lý để đảm bảo nâng cao hiệu quả phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.                                                                            

                                                                                                          Thúy Hằng