Các báo cáo liên quan đến công tác cải cách hành chính năm 2018
Theo Báo cáo đánh giá của UBND tỉnh trình Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Cà Mau khóa IX, năm 2018 nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, đạt nhiều kết quả rất khích lệ. Ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và quyết liệt trong tổ chức thực hiện. Cải cách TTHC tiếp tục được rà soát, cắt giảm tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Có 12 đơn vị cắt giảm thời gian giải quyết TTHC từ 20% đến 40%. Công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát được chú trọng. Nét nổi bật trong năm là tỉnh tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 18, 19 của Trung ương và Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị; triển khai thực hiện Đề án thí điểm xe ô tô công tập trung của các đơn vị cấp tỉnh, góp phần tiết kiệm ngân sách mỗi năm hàng chục tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng còn những khó khăn, hạn chế. Đáng quan tâm là việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL tiến độ còn chậm. Từ đầu năm đến nay UBND tỉnh mới ban hành 30/70 văn bản QPPL, đạt 42,85% kế hoạch. Một số nghị quyết dự kiến trình các kỳ họp thứ 6 và 7 HĐND tỉnh phải dừng lại do chuẩn bị không kịp theo dự kiến; chất lượng soạn thảo một số văn bản chưa cao, có trường hợp phải sửa đổi, bổ sung ngay sau khi ban hành. Công tác rà soát, kiến nghị đơn giản hóa TTHC ở một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Chủ yếu dừng lại ở việc cập nhận và đề nghị công bố TTHC theo quy định. Vẫn còn trường hợp giải quyết TTHC bị trễ hạn. Nhiều đơn vị cấp xã thực hiện chưa đúng quy trình giải quyết TTHC, báo cáo chưa đúng về kết quả giải quyết. Nhiều TTHC vẫn còn rườm rà, phức tạp, người dân phải đi lại nhiều lần (nhất là lĩnh vực đất đai); trình độ, kỹ năng và thái độ phục vụ của một số CBCCVC còn hạn chế. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trực tuyến còn khiêm tốn; việc triển khai thực hiện dịch vụ bưu chính công ích còn chậm.
Nguyên nhân chủ yếu do người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị thiếu kiểm tra, đôn đốc, chậm xử lý, khắc phục tồn tại, hạn chế đã được phát hiện; trình độ chuyên môn của một bộ phận CBCC chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tinh thần, trách nhiệm đối với công việc chưa cao. Năng lực và kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ CBCC tham mưu xây dựng văn bản QPPL còn hạn chế; thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động, thiếu quan tâm trong xây dựng văn bản QPPL theo trách nhiệm được giao. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa được chú ý nhiều; người dân chưa quen sử dụng các thiết bị CNTT hiện đại, chưa thật sự hiểu và yên tâm thực hiện TTHC trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở vật chất cho Bộ phận một cửa (nhất là máy tính cho cấp xã) chưa đồng bộ. Tỷ lệ xử lý văn bản đến (trên VIC) ở cấp huyện chỉ đạt 97% và xử lý văn bản đi chỉ đạt 91%; con số này tương ứng ở cấp xã là 98% và 78%. Tỷ lệ CBCC sử dụng VIC thường xuyên ở cấp huyện là 97%, trong khi đó ở cấp xã chưa thống kê được do vệc trang bị máy tính chưa đồng bộ
Để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, tỉnh Cà Mau cần có những giải pháp quyết liệt hơn mang đột phá để tạo chuyển biến rõ nét hơn, góp phần nâng cao chỉ số CCHC và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Một số giải pháp cụ thể cần được UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện thành phố quan tâm tổ chức thực hiện đạt kết quả quả tốt hơn, cụ thể như sau:
Thứ nhất, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh nhiệm vụ CCHC bằng các giải pháp hết sức cụ thể, trong đó tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra thủ trưởng các sở, ngành tỉnh trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhất là nâng cao chất lượng tham mưu, ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh. Kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém đã qua trong xác định nội dung, phạm vi và đề xuất xây dựng văn bản QPPL để tránh việc phải dừng hoặc diều chỉnh, thay đổi nội dung. Bám sát chương trình, kế hoạch và tập trung chỉ đạo việc nghiên cứu nội dung, xác định rõ phạm vi, đối tượng áp dụng của từng dự thảo văn bản. Thực hiện đúng các quy trình, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản theo quy định. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan tư pháp, đội ngũ công chức pháp chế của các cơ quan, đơn vị trong việc soạn thảo, thẩm định, góp y, tự kiểm tra, kiểm tra, cập nhật, rà soát và hệ thống hóa văn bản QPPL.
Thứ hai, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tốt việc tiếp tục rà soát, rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết các TTHC đảm bảo tính khả thi và tính hiệu quả giúp cho người dân và doanh nghiệp thuận tiện, nhanh chóng khi có yêu cầu giải quyết các TTHC; chú trọng hơn công tác hướng dẫn, tiếp nhận, xử lý các TTHC với tinh thần, thái độ ân cần, văn minh, lịch sự; chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm và kịp thời những cá nhân, đơn vị cố tình gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân trong giải quyết TTHC.
Thứ ba, tập trung thực hiện cải cách tổ chức, bộ máy và biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 18 và 19 của Trung ương. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ và hoạt động của các cơ quan HCNN từ tỉnh đến cơ sở. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cần thực hiện nghiêm túc, đúng thực chất việc đánh giá, phân loại CCVC; phân công, bố trí CCVC có chuyên môn phù hợp với đề án vị trí việc làm. Mạnh dạn sắp xếp, tinh giản những người không có năng lực, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không phù hợp với vị trí việc làm. Tổ chức tuyển dụng người có trình độ chuyên môn phù hợp nhằm tạo sự chuyển biến về tinh thần, trách nhiệm và hiệu quả làm việc của CCVC, nhất là đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Thứ tư, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tạo thế đột phá trong thực thi nhiệm vụ công vụ, hiện đại hóa công sở, thích ứng với trình độ phát triển trong thời đại 4.0. Tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng sử dụng phần mềm VIC, sử dụng chữ ký số và phần mềm Một cửa điện tử, nhất là đối với các đơn vị cấp xã. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về dịch vụ công trực tuyến bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả./.
NSC