Ông Nguyễn Minh Đương, Phó Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội,(bên phải) trao suất quà cho Ban Quản trị Salatel


Khánh Hòa là xã đặc biệt khó khăn của huyện U Minh. Trên địa bàn xã có 285 hộ dân tộc thiểu số với 1.095 khẩu (284 hộ Khmer, 01 hộ Ê Đê). Số lượng hộ nghèo là hộ đồng bào dân tộc giảm đáng kể qua từng năm, nhưng số hộ thuộc diện cận nghèo có sự tăng nhẹ (do hộ nghèo chuyển sang cận nghèo).
  Nguồn gốc đất xây dựng ngôi Salatel do ông Đào Tọn và bà Danh Thị Lợi ấp 6, xã Khánh Hòa hiến tặng và được đầu tư xây dựng vào tháng 2/2008; tổng diện tích đất xây dựng Salatel là 1000 m2; nguồn kinh phí đầu tư xây dựng là 400.000.000 đồng. Các hạng mục còn lại như: tráng sân, xây dựng nhà ăn và các đồ vật trang trí bên trong Salatel do người dân địa phương đóng góp để mua sắm, xây dựng với số tiền gần 400.000.000 đồng (Trong đó, UBND huyện hỗ trợ xây dựng nhà ăn với số tiền 30.000.000 đồng).
Hiện nay, các hạng mục công trình Salatel đã xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa như: phần tường bị nứt, bong tróc, phần mái tol dột, laphong bị hư hỏng, nhà vệ sinh không còn sử dụng được..., từ đó, các đợt tập trung sinh hoạt văn hóa của người dân bị ảnh hưởng; phần diện tích đất xây dựng Salatel chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng từ đó gây khó khăn trong công tác quản lý Salatel.
Ban Quản trị Salatel yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét đầu tư, sửa chữa các hạng mục bị hư hỏng tại Salatel; đầu tư xây dựng hàng rào quanh khuôn viên Salatel; thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng phần đất đã được hiến tặng giao cho Ban Quản trị Salatel quản lý. Đồng thời hỗ trợ nguồn có kinh phí cho Ban Quản trị hoạt động. 
Cũng tại buổi khảo sát, Đoàn đi tham quan mô hình rau, màu có hiệu quả của hộ ông Đào Tư (dân tộc Khmer) mang lại giá trị kinh tế khá từ trồng cây cà chua và rau thủy canh áp dụng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất theo hướng nông sản sạch. Hằng năm ngoài thu nhập từ con tôm, cây lúa, sau khi trừ chi phí thì mô hình này mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng.

 


 

Ông Đào Tư bên vườn cà chua


    Tại buổi khảo sát, bà Ngô Ngọc Khuê, Trưởng Ban VH-XH HĐND tỉnh yêu cầu Ban Quản trị cần xây dựng quy chế hoạt động, nội quy sinh hoạt và chi tiêu trong hoạt động của Ban Quản trị Salatel. Đồng thời lưu lý địa phương sớm lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xây dựng Salatel, vì đất được người dân hiến tặng đã lâu, nhưng đến nay chưa được cấp giấy chủ quyền. Cần quan tâm hơn nữa trong đào tạo dạy nghề cho con em người dân tộc; về dạy tiếng nói, chữ viết và đội ngũ sử dụng dàn nhạc ngũ âm; trong sinh hoạt cần lồng ghép các mô hình kinh tế có hiệu quả để nhân rộng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc./.

Thanh Sự