Đoàn khảo sát thực tế tại Salatel xã Nguyễn Việt Khái


Xã Nguyễn Việt Khái là xã đặc biệt khó khăn là vùng bãi ngang, ven biển Tổng số có 3.321 hộ dân với 12.977 nhân khẩu; hộ đồng bào dân tộc thiểu số có 156 hộ với gần 700 khẩu; trong đó hộ dân tộc thiểu số nghèo 17 hộ (chiếm 10,89%) trong tổng số dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo 16 hộ (chiếm 10,25%) trong tổng số dân tộc thiểu số; năm 2017 hộ dân tộc thiểu số nghèo 53 hộ, hộ cận nghèo 07 hộ đến cuối năm 2019 hộ dân tộc thiểu số nghèo giảm còn 17 hộ, hộ cận nghèo 16 hộ; Tình hình sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, có đời sống khó khăn trên địa bàn xã. Theo báo cáo, trong những năm qua, trên địa bàn xã đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên, tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước; kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp, an ninh – chính trị được giữ vững ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được duy trì và phát triển; nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số có những bước chuyển biến tiến bộ. 
Năm 2016, UBND tỉnh phê duyệt cho xã xây dựng Salatel với tổng mức đầu tư 1,740 tỷ đồng, xây dựng trên tổng diện tích 900 m2  để bà con đồng bào dân tộc có nơi để sinh hoạt trong dịp Lễ, Tết truyền thống của dân tộc mình, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Từ ngày đưa vào sử dụng đến nay đã tổ chức 34 lần sinh hoạt với 790 lượt người tham dự; công tác quản lý, bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa được thực hiện thường xuyên, đảm bảo cho công trình được sử dụng lâu dài, ý thức của đồng bào dân tộc củng như nhân dân trên địa bàn được nâng cao.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, quản lý và sử dụng Salatel còn có một số khó khăn, hạn chế như: Ban quản trị Salatel tổ chức sinh hoạt lệ chưa thường xuyên, thành viên Ban quản trị thường xuyên thay đổi; nội dung sinh hoạt chưa đổi mới, phong phú; Một số nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khơme bị mất dần, người hiểu biết về văn hóa của dân tộc ít nên khi tổ chức các hoạt động chưa thể hiện được nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Khơme, do vậy ít tổ chức các hoạt động văn hóa; Khi tổ chức các hoạt động nhân dịp Tết Chol ChnamThmây, lễ Sen Đôn ta do tỉnh huyện tổ chức tại Salatel thì đồng bào dân tộc Khơme tham gia chưa đông đủ do trùng với con nước đi làm biển; Tổ chức các hoạt động hội, họp tại Salatel chủ yếu các vấn đề có liên quan đến đồng bào dân tộc Khơme, còn các cuộc họp khác như: cuộc họp của các ngành, đoàn thể ấp, họp dân ít tổ chức tại đây do một số đồng bào dân tộc Khơme còn có tư tưởng đây là nhà riêng dành cho dân tộc Khơme nên không muốn các dân tộc khác vào đây sinh hoạt.
Ban Quản trị Salatel kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tổ chức lớp tập huấn cho Ban quản trị Salatel và tổ chức cho Ban quản trị Salatel tham quan học hỏi kinh nghiệm của các Salatel trong và ngoài tỉnh; có kinh phí hỗ trợ cho Ban Quản trị…


 

Bà Ngô Ngọc Khuê, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội, phát biểu tại buổi khảo sát


Tại buổi khảo sát, bà Ngô Ngọc Khuê, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh biểu dương tinh thần trách nhiệm cao trong công tác quản lý Salatel của Ban Quản trị và mong muốn trong thời gian tới lãnh đạo UBND huyện, Xã, Ban Quản trị Salatel tạo điều kiện chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, giáo dục, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, cho đồng bào dân tộc Khơme sinh sống trên địa bàn./.
                                                                                                       

Thanh Sự