Đến dự Hội nghị có bà Lê Thị Nhung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; ông Huỳnh Ngọc Sang, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; cùng với lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; các sở: Nội vụ, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính cùng tham dự.
Hội nghị đã nghe đại diện UBND trình bày các báo cáo và dự thảo nghị quyết: Báo cáo kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025; Báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh; dự thảo Nghị quyết về biên chế công chức, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, biên chế hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của tỉnh Cà Mau năm 2025; Dự thảo Nghị quyết bãi bỏ Nghị quyết số 01/2022/NQHĐND ngày 30/3/2022 của HĐND tỉnh quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Cà Mau; Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND ngày 07/7/2023 của HĐND tỉnh ban hành Quy định một số nội dung, mức chi, hỗ trợ hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao nội dung các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết; đáng chú ý là báo cáo kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025; được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, chỉ đạo thường xuyên về công tác cải cách hành chính; công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát được tăng cường; ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức trong thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính từng bước được nâng lên.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh, một số chỉ tiêu đạt, vượt so với kế hoạch như: tỷ lệ hồ sơ được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến đạt 86,23%/80% kế hoạch; tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 81,09%/60% kế hoạch; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh đạt 91,86%/90%, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện đạt 89,11%/80%, cấp xã đạt 89,07%/75% kế hoạch.
Công tác xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số được nhiều cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện tốt; quy trình xử lý công việc được thông suốt, nhanh gọn, chính xác, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian cho cơ quan, đơn vị, đồng thời đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tổ chức, cá nhân...
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Vẫn còn trường hợp giải quyết hồ sơ của cá nhân, tổ chức bị trễ hẹn; người dân phải đi lại nhiều lần; việc người dân tự thao tác, nộp hồ sơ trực tuyến còn hạn chế, đa số phải có sự hỗ trợ, hướng dẫn của công chức, viên chức (nhiều trường hợp công chức, viên chức phải làm thay); tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng cấp tỉnh, cấp huyện chưa đạt chỉ tiêu đề ra; việc tuyên truyền công tác cải cách hành chính trên Trang Thông tin điện tử của một số đơn vị chưa thật sự đạt hiệu quả, hình thức tuyên truyền chưa cuốn hút, hiệu quả chưa cao; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác chuyển đổi số còn hạn chế, nhất là đối với cấp xã...
Ông Nguyễn Sơn Ca, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đánh giá: “ Các văn bản đã khái quát, đầy đủ chi tiết từng nội dung. Tuy nhiên, đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp thu ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết theo ý kiến đóng góp của các đại biểu. Ban Pháp chế sẽ tổng hợp vào báo cáo kết quả thẩm tra, tiếp tục xin ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh xem xét, quyết định tại buổi thảo luận Tổ trước Kỳ họp thứ 17 HĐND, khóa X sắp tới”./.
Minh Tam – Hồng Phúc