Theo kết quả kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đối với các loại thực phẩm sử dụng hàng ngày, hầu hết đều đạt chất lượng thấp, điển hình như: nước đá 78,42%, nước uống đóng chai 84,84%, bún, phở 63,33%. Đặc biệt, các loại thực phẩm đường phố có tiêu chuẩn vệ sinh cực kỳ thấp chỉ 17,16% chất lượng cho phép.
THỰC TRẠNG

 

Sạp bán thực phẩm được kê ngay trên nền đất ẩm ướt

Tình hình ATVSTP trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong những năm qua diễn biến phức tạp. Năm 2006, toàn tỉnh có 2 vụ ngộ độc thực phẩm, với 47 người bị ngộ độc. Năm 2007 có 5 vụ, 5 người ngộ độc và năm 2008 xảy ra 9 vụ, có 105 người ngộ độc, trong đó có 3 người tử vong. Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm đa phần là do ăn thức có sẵn độc tố như cá nóc, sam… hay thức ăn chế biến không hợp vệ sinh.

Một thực tế đang tồn tại tại các khu chợ trong tỉnh, đó là tình trạng các loại thức ăn sống, chín được bán xen lẫn, không có dụng cụ che đậy. Các loại gia cầm được giết mổ ngay tại chỗ nếu khách yêu cầu, chỉ 15 phút là đã có một con gà hay vịt được làm sạch. Tuy nhiên, lông gà, vịt, chất thải và nội tạng chất đống, bốc mùi hôi ngay bên cạnh những con gà, vịt được giết ngay trên sàn. Nước thải chảy tràn xuống đường, sân chợ. Người bán không găng tay, không khẩu trang, dụng cụ giết mổ chỉ có một con dao, một chiếc bát đựng tiết dính đầy lông và chiếc nồi đun nước nhúng để vặt lông đặt trên một chiếc bếp than. Một nồi nước nhúng hàng chục con gà, vịt, nước có màu đen kịt. Nguy hiểm hơn là các loại gia cầm này chưa được kiểm dịch, vì vậy nguy cơ gia cầm bị nhiễm dịch cúm AH5N1 là rất cao.

Nhiều loại rau, củ, quả… được bày bán trên những tấm nilon hay những mảnh ván kê tạm bợ dưới nền đất ẩm ướt. Một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nằm cạnh cống rãnh, ao tù… hoặc sử dụng dụng cụ chế biến, bảo quản thô sơ, cũ kỹ rất mất vệ sinh. Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm và cảm quan, chưa có một tiêu chuẩn cụ thể nào để đánh giá thực phẩm an toàn, không bị nhiễm thuốc trừ sâu, chất độc hại. Mặc dù biết nguy cơ mất ATVSTP là rất cao, nhưng do nhu cầu hằng ngày nên vẫn phải sử dụng.

 

 

 


Bằng mắt thường người dân khó phân biệt được dâu là thực phẩm bẩn đâu là thực phẩm an toàn
Ông Hoàng Lý Tưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết: Để kiểm soát vấn đề ATVSTP, tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành trong dịp lễ, Tết, phát động Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người sản xuất, chế biến thực phẩm cũng như ý thức của người tiêu dùng. Năm 2011, tỉnh thành lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra trên 1 ngàn lượt cơ sở sản xuất và chế biến thực phẩm. Trong đó có 8.872 cơ sở thực phẩm đạt tiêu chuẩn, chiếm trên 88%. Mặt khác, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nói chuyện chuyên đề, tập huấn, tăng cường công tác tuyên truyền về ATVSTP trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí. Nhờ vậy, vấn đề ATVSTP được cải thiện đáng kể. Năm 2011 không có trường hợp ngộ độc thực phẩm nào xảy ra.

NHIỀU BẤT CẬP TRONG QUẢN LÝ

Trong những năm qua, sự phối hợp liên ngành từng lúc chưa chặt chẽ, quản lý một số lĩnh vực còn chồng chéo. Một số loại hình thực phẩm còn bỏ ngõ, chưa có biện pháp kiểm tra, xử lý kịp thời. Trong thực tế hiện nay, các loại thực phẩm đang trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt là trách nhiệm quản lý của Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khi số thực phẩm này ra thị trường thì thuộc trách nhiệm quản lý của Ngành Công thương. Nhưng khi được chế biến thành thức ăn thì lại thuộc trách nhiệm của Ngành Y tế. Nhưng, khi thực phẩm còn trong quá trình sản xuất rất khó quản lý, vì ngành nông nghiệp không thể lúc nào cũng đến từng hộ nông dân kiểm tra xem sản phẩm có phun thuốc trừ sâu, có đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh không? Hiện nay, tỉnh ta chưa có quy trình quản lý thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn vì vậy rất khó kiểm soát. Chủ yếu là tuyên truyền để người chăn nuôi, trồng trọt thực hiện đúng kỹ thuật, quy trình sản xuất, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách.

Ảnh minh họa: Thức ăn đường phố tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc rất cao
Khi sản phẩm được bán trên thị trường thì càng khó quản lý. Vì số lượng cán bộ làm công tác ATVSTP còn hạn chế. Trang thiết bị kiểm tra còn thô sơ, chủ yếu là test nhanh, không đủ cơ sở pháp lý để xử lý, xử phạt tại chỗ. Ở tuyến huyện chưa có thiết bị xét nghiệm nên các mẫu thử đều phải gửi ra Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, mất nhiều thời gian. Đối với những thực phẩm phát hiện có bảo quản bằng hàn the, phoóc môn cũng khó khăn trong việc xử phạt. Vì, người bán nhập hàng từ nhiều nguồn. Trong khi đó, muốn xử phạt thì phải tìm ra nguồn gốc sản phẩm. Do đó, khi phát hiện vi phạm, Chi cục ATVSTP chỉ có thể tiến hành tiêu hủy sản phẩm... Phải chăng, trách nhiệm kiểm soát chất lượng thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn đang giống như một trái bóng được đá đi đá lại giữa các cấp, các ngành, mà không tìm được một tiếng nói chung, cuối cùng chính người tiêu dùng lại là người chịu thiệt.

Việc đảm bảo chất lượng ATVSTP không là trách nhiệm của riêng ai, mà nó là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể, nhà sản xuất, kinh doanh và toàn xã hội. Đồng thời, người tiêu dùng cần phải trang bị kiến thức về ATVSTP, có ý thức nâng cao văn hóa tiêu dùng, để tự bảo vệ sức khỏe của bản than, gia đình và toàn xã hội.
 
Thanh Mộng