
Các hoạt động sản xuất, kinh doanh được khôi phục và phát triển
Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát tốt; các hoạt động kinh tế - xã hội của người dân và doanh nghiệp từng bước ổn định và phát triển, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng trưởng so cùng kỳ như: tổng sản phẩm trong tỉnh ước tăng 4,23%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 6,2%; tổng sản lượng thủy sản tăng 2,2%, trong đó sản lượng tôm tăng 10,3%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,6% (sản lượng chế biến tôm tăng 15,1%, sản lượng phân bón tăng 11,6%); tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 7,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng 53%; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 50%, số vốn đăng ký tăng 4,9 lần; giải quyết việc làm tăng 35%, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề được tổ chức thuận lợi; hoạt động du lịch dần đi vào ổn định với nhiều hoạt động phục hồi, lượng khách du lịch tăng 28,7% và doanh thu tăng 37,3%. Số vụ tai nạn giao thông và số người chết giảm so cùng kỳ; quốc phòng an ninh tiếp tục được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Cải cách tư pháp, cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục có chuyển biến tốt hơn. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Kinh tế của tỉnh đang trên đà phục hồi nhưng chưa ổn định; Tình hình sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp gặp khó khăn, giá cả các mặt hàng ngư, nông, lâm nghiệp giảm mạnh, nhất là các mặt hàng thủy sản; giá cả xăng, dầu, vật tư, con giống, một số mặt hàng thiết yếu tăng cao; biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến khó lường, tình trạng sạt lở đất bờ biển, bờ sông ngày càng nghiêm trọng. Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng chỉ đạt 0,61%, kéo theo tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh đạt thấp so với kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao hơn so cùng kỳ, nhưng vẫn còn chậm so kế hoạch (chỉ đạt khoảng 32,5%); tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư quan trọng (cả trong và ngoài quốc doanh) còn chậm; thu hút đầu tư tư nhân còn nhiều hạn chế; việc thực hiện một số chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới (giao thông, thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất) còn khó khăn; việc thực hiện các chính sách hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ; cơ sở vật chất trường học chưa đảm bảo; hệ thống cơ sở vật chất và nguồn nhân lực của y tế cơ sở, y tế dự phòng còn nhiều hạn chế; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt thấp so với kế hoạch; tình trạng xâm hại, tai nạn thương tích ở trẻ em còn diễn ra; tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát; Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp. Tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, những khó khăn, hạn chế nêu trên là do ảnh hưởng của những nguyên nhân, như: tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, một số hoạt động thương mại, dịch vụ giảm quy mô nên tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ quý I giảm so với cùng kỳ. Ngoài ra, giá xăng, dầu tăng cao trong thời gian qua dẫn đến chi phí vận tải tăng, làm tăng chi phí đầu vào phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp. Việc tăng giá cao bất thường của một số vật liệu xây dựng và khan hiếm nguồn cát làm tăng chi phí xây dựng, một phần làm chậm tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công. Việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp trên một số lĩnh vực chưa thực sự đồng bộ; một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự tích cực, chủ động trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ hoặc tham mưu những giải pháp quan trọng thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, còn tư tưởng bị động, trông chờ sự chỉ đạo của cấp trên; sự phối hợp trong quản lý nhà nước trong nhiều trường hợp còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; cải cách hành chính nội bộ còn chậm;...
Trong 6 tháng cuối năm 2022, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo Nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh; rà soát, bổ sung các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bù đắp cho các khu vực đạt thấp so với kế hoạch với quyết tâm, nỗ lực cao nhất, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó, đã đề ra một số chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ bản, như: đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Cà Mau. Tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước trên địa bàn tỉnh. Quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thực hiện có hiệu quả đề án cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách để thúc đẩy sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả cao; duy trì và phát triển mới các chuỗi liên kết sản xuất nông sản chất lượng cao; mời gọi hợp tác sản xuất, chế biến và tiêu thụ các ngành hàng chủ lực. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm OCOP. Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia.
Triển khai quyết liệt công tác thu ngân sách và các giải pháp chống thất thu ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022. Theo dõi sát diễn biến giá cả, nhất là hiện tượng tăng giá các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu để kịp thời thực hiện các biện pháp xử lý. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá cả thị trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
Theo dõi chặt chẽ các bệnh có nguy cơ phát thành dịch và tình hình bệnh dịch ở các nước lân cận, trên thế giới để dự phòng lây nhiễm. Tiếp tục khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm nhẹ ảnh hưởng hậu COVID-19, đúc kết kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc giảm nhẹ. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến mạnh mẽ lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19, nhất là tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại và tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 11 tuổi nhằm tạo sự đồng thuận, hưởng ứng thực hiện của người dân. Thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề. Thực hiện tốt các chính sách đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung trang thiết bị phục vụ dạy và học. Tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, bảo đảm nguyên tắc tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh gắn với yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục. Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch, nhất là trong các dịp lễ, tết và các hoạt động trong Chương trình Sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2022”.
Đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội; nâng cao chất lượng công tác tiếp dân; giải quyết kịp thời, đúng quy định đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Khả Ái